Tháng 2 năm Canh Thìn (1400) Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lập làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi từ họ Lê trở lại họ Hồ.
Với mong ước xây dựng một quốc gia giàu mạnh, hùng cường; Hồ Qúy Ly đã tiến hành nhiều hoạt động cải cách hơn khi triều Hồ được thành lập, từ lúc ở ngôi cho đến khi nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương để lên làm Thái thượng hoàng, Hồ Quý Ly vẫn là người chỉ đạo chính việc tiến hành công cuộc cải cách sâu rộng trên mọi lĩnh vực… Tiếc thay khi quá trình cải cách đang tiến hành dang dở, ước mơ xây dựng một đất nước hùng mạnh của ông chưa thực hiện xong thì họa ngoại xâm lại đến. Bấy giờ, vào năm Đinh Hợi (1407) với chiêu bài "phù Trần diệt Hồ", quân Minh tràn sang xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, Thượng hoàng Hồ Qúy Ly, vua Hồ Hán Thương, Tướng quốc Hồ Nguyễn Trừng, thái tử Hồ Nhuế cùng nhiều quan chức bị bắt ở đưa về phương Bắc.
Sử chép rằng ngay sau đó bộ máy chính quyền đô hộ đã được thiết lập, giặc Minh một mặt dùng tiền bạc, chức tước để mua chuộc, lôi kéo mặt khác thẳng tay đàn áp dã man những người chống đối, gây bao tội ác thảm khốc cho nhân dân ta, đâu đâu cũng có cảnh giết chóc, hãm hiếp, đốt phá... Trong Việt giám thông khảo tổng luận đã khái quát về tình hình nước ta lúc đó như sau: "Nhà Nhuận Hồ đã bị bắt mà nhà Hậu Trần cũng mất theo, đất nước chia xé từng mảnh, nát hơn buổi cuối nhà Chu. Quan lại chính lệnh bạo ngược, hình phạt tàn khốc, thảm hơn nhà Tần khi mất. Từ đây người Minh thả sức bạo ngược, nhân dân lầm than, chưa có lúc nào như lúc ấy".
Không chỉ áp bức nô dịch dân ta, giặc Minh còn thực hiện chính sách đồng hóa rất khốc liệt, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Bấy giờ kinh lộ đều phụ thuộc vào nhà Minh, trăm họ phải làm sai dịch và nộp lương theo sự sai bắt của bọn quan thú nhiệm… Nhà Minh cấm con trai, con gái không được cắt tóc; phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài, đồng hóa theo phong tục phương bắc".
Trong cảnh nước mất, nhà tan, lòng căm phẫn ngày càng sôi sục trong mỗi người dân Việt, ai ai cũng tìm cách phản kháng bằng những hình thức khác nhau. Bấy giờ ở xã Phù Hoa, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay là xã Lộc Hạ, Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) có người phụ nữ tên là Giang Thị Thuyết, dung nhan xinh đẹp, nàng biết rằng mình khó thoát khỏi lũ ác quỷ vì thế đã lập kế vừa bảo toàn được sự bình an cho gia đình chồng con, vừa góp phần trút căm hờn vào quân xâm lược.
Về chuyện này, Tiến sĩ triều Nguyễn là Khiếu Năng Tĩnh (1835 – 1920) trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược có chép như sau:
"Giang Thị Thuyết người xã Phù Hoa, huyện Mỹ Lộc, thời Minh xâm lược nước ta, quan quân thấy thị đẹp gái thường đến ve vãn. Thị bàn với chồng khuyên chồng cùng ba con dời về quê ngoại ở Gia Viễn cư trú, rồi thị mở tiệc chiêu đãi mời quan Trấn thủ Trương Minh cùng bè lũ hơn bốn mươi tên, nói thác việc giỗ bố chồng. Chung quanh nhà vườn, thị đào hào cắm chông sắt, bên trong hào chất củi cỏ đổ dầu. Thị thân chuốc rượu cho cả lũ vui say rồi đốt lửa, lửa bốc cao, thị vờ dẫn chúng chạy nhưng chẳng có lối nào chạy thoát, chúng cố vượt lửa bị chết, không vượt cũng chết, còn thị thì nhảy xuống giếng tự vẫn.
Sau khi đất nước bình định, Lê Thái Tổ sai Vũ Vĩnh Trinh, người xã An Cự, huyện Thiên Bản, đỗ khoa Minh Kinh năm Kỷ Dậu (1429) là quan Hàn lâm viện đại học sĩ về đặt lễ quốc tế trên nền nhà cũ, cho xây miếu thờ, ban tiền cho chồng con dựng nhà ở bên".
Bài thơ mà Vũ Vĩnh Trinh khen người liệt nữa họ Giang như sau:
Phù Hoa Giang thị thị hà nhân?
Thảo tặc thần mưu bất cố thân.
Kháng Bắc hỏa công nam diệc quý,
Nghi tồn miếu vũ tự thiên xuân.
Dịch nghĩa:
Họ Giang ở đất Phù Hoa là ai vậy?
Dám liều thân bày đặt mẹo hay đánh giặc.
Dùng hỏa công chống giặc Bắc, là trai cũng phải hổ thẹn
Việc xây dựng đền miếu thờ tự lâu dài là việc rất nên làm.
Dịch thơ:
Phù Hoa Giang thị là ai?
Liều thân báo quốc để trai thẹn thùng.
Trừ Minh bày kế hỏa công,
Miếu đền thờ tự nói cùng kẻ sau".
(Dương Văn Vượng dịch)
Bài thơ nói trên có tiêu đề là: "Phù Hoa Giang thị" (Họ Giang ở đất Phù Hoa), tác giả là Vũ Vĩnh Trinh, tự là Hựu Chi, quê ở xã An Cự, huyện Thiên Bản (nay là thôn An Cự, xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Ông đỗ Đệ nhất giáp khoa Minh Kinh năm Kỷ Dậu (1429) niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 đời Lê Thái Tổ, được làm chức Giáo thụ. Đời Lê Thánh Tông, ông được phong làm Hàn lâm viện đại học sĩ, quyền Lễ bộ Hữu thị lang. Năm Bính Dần (1446) Vũ Vĩnh Trinh giữ chức Hải Tây đạo tuyên chính sứ ty, kiêm Bí thư giám, Tri kinh diên sự. Ông có nhiều tác phẩm nhưng đến tay tản mát hết, chỉ còn lại cuốn Danh sơn thắng thủy thi đề viết chung với hai người khác và một số bài thơ được chép lại ở các sách như Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi văn tuyển, Thi sao…
Trong số tác phẩm ít ỏi lưu lại của Vũ Vĩnh Trinh có bài "Phù Hoa Giang thị" nói trên; bài thơ chỉ có 4 câu nhưng đã thể hiện sự ngạc nhiên, khâm phục một người phụ nữ đã dám làm một việc mà đến bậc tu mi nam tử cũng phải cảm thấy xấu hổ. Tác giả cho rằng việc triều đình cho xây đền miếu để phụng thờ là điều nên làm, không chỉ là cách ghi nhớ đến người công lao đánh giặc mà con là tấm gương để hậu thế noi theo.