Dân Việt

4 tháng triển khai Nghị quyết 98 tại TP.HCM: Cải cách mạnh mẽ về thể chế

Bạch Dương 01/01/2024 06:00 GMT+7
Sau 4 tháng thực hiện Nghị quyết 98, thành phố đã có những cải cách mạnh mẽ về thể chế, hướng đến một TP.HCM phát triển bền vững, thu hút đầu tư...
TP.HCM 4 tháng triển khai Nghị quyết 98: Cải cách mạnh mẽ về thể chế - Ảnh 1.

Nghị quyết 98 giúp TP.HCM cải cách mạnh về thể chế. Ảnh: B.D

Cởi "chiếc áo chật" cho TP.Thủ Đức

Giữa tháng 11 vừa qua, Trung tâm Hành chính công của TP.Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động. Với việc vận hành mô hình trung tâm hành chính công đầu tiên của TP.HCM, người dân, doanh nghiệp không còn phải mất quá nhiều thời gian, đi lại nhiều nơi để làm thủ tục hành chính, mà thay vào đó, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả đều thực hiện rút gọn tại một chỗ. Đây là điều mà người dân, doanh nghiệp mong mỏi kể từ khi thành lập TP.Thủ Đức đến nay.

Trung tâm Hành chính công TP.Thủ Đức ra đời sau khi HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết thành lập vào tháng 9 vừa qua. Vận dụng quy định của Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (có hiệu lực từ ngày 1/8/2023), HĐND TP.HCM cũng ra nghị quyết về việc cơ cấu lại bộ máy hành chính của TP.Thủ Đức phù hợp với thực tiễn của thành phố. Từ đó giúp mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên trong cả nước cởi dần "chiếc áo chật" khi trước đây theo Luật Tổ chức chính quyền đô thị, thành phố chỉ là một đơn vị hành chính cấp quận, huyện.

Việc thực hiện những quy định "khác với thông thường" theo Nghị quyết 98, TP.Thủ Đức còn được trao những thẩm quyền như chủ động trong đầu tư, phê duyệt dự án; được phân cấp, ủy quyền trong phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn và đặc biệt là được quyền điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố.

Cơ chế phù hợp với siêu đô thị TP.HCM

Trong những năm qua, nền kinh tế đầu tàu của cả nước đang tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân là bởi TP.HCM đang thiếu cơ chế, thiếu không gian phát triển. Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 vừa qua được xem là đột phá quan trọng. Với những quy định vượt lên trên khuôn khổ thông thường, Nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện những biện pháp đặc thù, đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ, chủ động, sáng tạo nhằm tạo ra động lực mới, không gian mới để phát triển.

Ngoài kế thừa một số nội dung của Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết mới còn phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.HCM thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương, thậm chí là thẩm quyền của Chính phủ. Từ đó giúp TP.HCM sắp xếp lại bộ máy phù hợp, huy động nguồn lực để phát triển.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết: "Lần đầu tiên, TP.HCM có một khung pháp lý tương đối minh bạch, rõ ràng về thẩm quyền. Cái gì Trung ương làm, cái gì địa phương làm, trách nhiệm bộ máy tới đâu? Rất rõ ràng, minh bạch".

TP.HCM 4 tháng triển khai Nghị quyết 98: Cải cách mạnh mẽ về thể chế - Ảnh 3.

Đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội. Ảnh: P.V

Các vướng mắc cụ thể dần được tháo gỡ

Trong nhiều chương trình, hội nghị của TP.HCM, lãnh đạo TP cho biết, các cơ chế, chính sách của Nghị quyết đã giúp TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình phát triển, đơn cử như dự án Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.

Trước đây, dự án bị vướng mắc liên quan đến việc lựa chọn phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì nay, Nghị quyết 98 đã xác định rõ cơ chế cho phép tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nếu thỏa 3 điều kiện: Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo quy định, có diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu đất thực hiện dự án, đất chưa được giải phóng mặt bằng.

Với cơ chế này, TP có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch treo, tạo bộ mặt đô thị mới cho khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế TP.

TP.HCM 4 tháng triển khai Nghị quyết 98: Cải cách mạnh mẽ về thể chế - Ảnh 4.

Tạo động lực mới, không gian mới để TP.HCM phát triển. Ảnh: Hữu Quyền

Một vấn đề khác là phát triển các dự án nhà ở xã hội. Hiện TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2030 xây dựng tối thiểu 70.000 căn nhà ở xã hội, trong số đó đến năm 2025 phải đạt 35.000 căn tương đương 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Theo quy định hiện nay, đối với dự án nhà ở xã hội thì việc kêu gọi nguồn vốn xã hội rất khó do các quy trình thủ tục.

Với các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98, TP có thể rút ngắn thời gian thực hiện quy trình thủ tục từ 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng tháo gỡ nhiều vấn đề về pháp lý về đất, quy hoạch, chỉ tiêu để thu hút nhà đầu tư tham gia bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển nhà ở xã hội...

"Không có Nghị quyết nào bao trùm tất cả các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho một địa phương, Nghị quyết 98 cũng vậy. TP có độ mở rất lớn nên vẫn còn nhiều vướng mắc. Nghị quyết 98 cho phép TP báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết từng dự án cụ thể nên TP sẽ tận dụng cơ chế này để từng bước tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.