Dân Việt

Khung hình phạt tội danh ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố

Quang Trung 02/01/2024 18:30 GMT+7
Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị cáo buộc nhận hối lộ liên quan Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. Bộ luật hình sự quy thế nào về tội nhận hối lộ?

Bắt ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Ngày 2/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về tội nhận hối lộ

Cùng ngày, các lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ở phường 9, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Khung hình phạt tội danh ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: BCA

Đây là kết quả điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 10/QĐ-CSKT-P10 ngày 4/3/2023; Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/QĐ-CSKT-P10 ngày 9/8/2023 và số 24/QĐ-CSKT-P2 ngày 25/11/2023; vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Mở rộng điều tra vụ án, xác định: Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có hành vi nhận hối lộ liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.

Hành vi của ông Trần Văn Hiệp phạm vào tội nhận hối lộ, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng, rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng, đảm bảo thu hồi triệt để cho nhà nước.

Ông Trần Văn Hiệp bị khởi tố ở khung cao nhất của tội nhận hối lộ

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Hành vi nhận hối lộ mà ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị cáo buộc được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận bất kì lợi ích nào cho mình hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Nhận hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý nhà nước.

Theo luật sư Thơ, người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng lại không giống như người có chức vụ, quyền hạn trong tội tham ô tài sản.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn phạm tội tham ô tài sản phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản, thì người có chức vụ, quyền hạn phạm tội nhận hối lộ không nhất thiết phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản.

Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội nhận hối lộ rộng hơn. Tuy nhiên, người phạm tội nhận hối lộ lại không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý mà là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp, họ nhận thức được mình là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng để nhận tiền hối lộ của người khác.

Ngoài ra, luật sư Thơ cho biết, hiện ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đang bị khởi tố theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự.

Khoản 4, Điều 354 quy định, người nào nhận hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội nhận hối lộ.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là hình phạt bổ sung của tội nhận hối lộ.