Dải đất miền Trung đầy nắng và gió, nơi có nhiều món ăn đậm đà của biển cả, nhưng cũng đầy độc đáo theo cách chế biến, thưởng thức, khiến nó trở nên quyến rũ lạ thường. Những món ăn nơi này vô cùng thơm ngon đã một lần thưởng thức sẽ khiến ta nhớ mãi cái hương vị nồng nàn ấy. Trong những món ăn hấp dẫn của dải đất này không thể bỏ qua miến lươn Nghệ An và kẹo cu đơ Hà Tĩnh vừa được vinh danh là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I-2022.
Ẩm thực miền Trung: Súp lươn xứ Nghệ
Lươn là sản vật của nhiều món ngon trên khắp mọi miền Tổ quốc, miền Nam có lươn nổ muối, canh chua lươn trái giác, lươn cuốn thịt rán giòn, lươn um nước dừa…; miền Bắc có lươn om chuối, miến lươn, lươn hấp muối sả… Mỗi vùng miền có một kiểu nấu khác nhau, riêng ở Nghệ An, chỉ vài ba cách chế biến dân dã đã đủ làm nên thương hiệu "lươn xứ Nghệ" nức tiếng gần xa. Trong đấy súp lươn là món ăn chiếm được nhiều sự yêu thích nhất của du khách, bởi mùi vị nhẹ nhàng, dễ ăn, hợp khẩu vị nhiều người.
Món súp lươn được nấu từ những con lươn đồng được những người dân ở đây lựa chọn kỹ càng và cách chế biến lươn cũng rất độc đáo. Lươn phải được sơ chế kĩ bằng muối, tro bếp, nước vôi, và giấm để sạch nhớt và giảm đi mùi tanh.
Sau khi làm sạch, lươn được luộc vừa chín tới thì mang tách riêng thịt và xương. Phần thịt lươn sau khi lọc xương sẽ được xào chung với hành răm, nghệ rí, tiêu xay và ớt. Món súp lươn không thể thiếu hành tăm - một nguyên liệu đặc trưng của vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ làm dậy lên mùi thơm của lươn và tạo độ cay nồng cho súp.
Tiếp đến là phần nước dùng, người dân Nghệ An ngoài việc lấy phần xương của lươn ninh nhừ cho ngọt nước thì còn cho thêm xương gà hoặc xương bò, xương lợn cho nước thêm ngọt. Khi nước ninh xương sôi thì người nấu sẽ vớt hết bọt để nồi nước dùng được trong.
Món súp lươn khi thưởng thức du khách cảm nhận thịt lươn chín ngọt mềm, thơm mùi hành tăm, nước dùng sánh màu nâu đỏ đẹp mắt. Khi ăn vị cay đằm, cái nóng thấm và lan tỏa vào từng thớ thịt lươn, giọt súp. Món này ăn cùng bánh mướt hay bánh mỳ trong tiết trời se lạnh thì không còn gì bằng. Thật bất ngờ, bánh mì và súp lươn xứ Nghệ lại rất ư là "hợp cạ". Bánh mì giòn giòn, chấm cùng thứ nước súp sền sệt, thấm đẫm hương vị ngọt thanh của lươn, cay nồng từ ớt và tiêu thật hoà quyện hấp dẫn vô cùng.
Kẹo cu đơ Hà Tĩnh là đặc sản thơm lành với cái tên lạ lẫm nhưng thu hút cực kỳ. Kẹo Cu Đơ độc đáo ngay từ tên gọi đến nguồn gốc xuất xứ của nó. Có rất nhiều giai thoại và câu chuyện về nguồn gốc của loại kẹo này.
Để tạo nên những chiếc bánh cu đơ ngon nức tiếng, người sản xuất phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến cách chế biến. Thành phần để tạo nên đặc sản cu đơ Hà Tĩnh không phải là những nguyên liệu quý hiếm hay đắt đỏ, nó chỉ là những nguyên liệu rất bình dân, dễ kiếm như lạc, mật mía, mạch nha, bánh tráng, gừng tươi.
Lựa chọn mật mía để làm kẹo là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất. Mật mía phải là loại ngon nhất, nguyên chất, có màu vàng óng và trong vắt như mật ong mới đảm bảo được vị ngon của kẹo. Hạt lạc để làm kẹo cũng phải lựa chọn những hạt to vừa, tròn đều, không lép, không sâu mọt và còn nguyên vỏ lụa. Những miếng bánh tráng để làm kẹo không quá to, không quá dày, quăn đều và được rắc thêm chút vừng để tăng độ bùi.
Bên cạnh khâu tuyển chọn nguyên liệu, quá trình nấu kẹo cũng vô cùng quan trọng. Nấu kẹo cu đơ phải đảm bảo sao cho lửa vừa, lửa to quá sẽ bị cháy khét, lửa nhỏ quá thì không đảm bảo được đồ dẻo dai và giòn của kẹo. Kẹo cu đơ ngon, chuẩn vị phải có vị ngọt và độ dẻo của đường, bùi béo của lạc, vị thơm cay của gừng và độ giòn của bánh tráng. Tất cả hòa quyện với nhau, du khách cắn một miếng cu đơ và cảm nhận vị ngọt, thơm, dẻo của đường cùng độ giòn của lạc và bánh tráng thì còn gì tuyệt vời hơn.
Kẹo Cu Đơ là một món ăn vặt dân dã, thường được dùng kèm với trà nóng. Loại kẹo này có đặc điểm là dẻo và kết dính, có vị ngọt của đường, mật mía, bùi bùi của đậu phộng, dùng để ăn không hoặc thưởng thức cùng trà đều được.
"Chè xanh thêm chút gừng cay/ Cu Đơ Hà Tĩnh làm say lòng người"
Khi thưởng thức kẹo cu đơ, du khách có thể cảm nhận sự kết hợp đầy đối lập nhưng cũng vô cùng hòa quyện giữa đậu phộng giòn bên trong được bao bọc bởi lớp bánh tráng mềm dẻo bên ngoài, vị ngọt, đồng thời cảm nhận dễ chịu của mật mía kết hợp cùng gừng tươi vô cùng ngẫu hứng.