Bài viết này đề cập đến chảy nước mũi, nghẹt mũi hay gặp của bất kỳ ai do cảm cúm, cảm lạnh, không đề cập đến các bệnh nhiễm trùng nặng, bệnh mạn tính, bệnh do khối u… vì chúng đòi hỏi phải có sự can thiệp về y tế chuyên sâu.
Chảy nước mũi là tình trạng chảy một lượng dịch nhầy đáng kể từ hốc mũi. Đây là hệ quả của việc sản xuất quá nhiều chất nhầy ở mũi, vượt quá khả năng xử lý của cơ thể. Chất nhầy trong mũi dư thừa dẫn đến chảy mũi ra từ cửa mũi trước hoặc chảy xuống cổ họng. Còn nghẹt mũi là tình trạng mũi bị tắc nghẽn gây khó thở, do lớp niêm mạc của khoang mũi bị viêm, phù nề. Nghẹt mũi cũng làm cho dịch nhầy mũi thoát ra ngoài khó khăn hơn, tích tụ lại, càng làm tình trạng nghẹt mũi thêm nặng hơn. Thời tiết lạnh nên nước mũi dễ bị chảy liên tục, hoặc nghẹt mũi đến nỗi phải thở bằng miệng, thậm chí tệ hơn là cả hai triệu chứng xảy ra cùng một lúc. Vậy khi đó cần xử trí như thế nào để giảm nhanh các triệu chứng.
Khi bị chảy nước mũi liên tục hoặc nghẹt mũi nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất. Đồng thời để nước làm loãng dịch mũi, tạo điều kiện tống xuất dịch ra ngoài. Tốt nhất nên uống nước ấm, đặc biệt là các loại trà thảo mộc như: Trà hoa cúc, trà gừng, trà atiso… ấm nóng. Khi uống hơi nước bốc lên có tác dụng làm se niêm mạc, giúp thông thoáng đường mũi và cảm thấy dễ thở hơn. Đồng thời các chất kháng viêm , kháng khuẩn tự nhiên có trong thảo mộc cũng góp phần giảm thiểu viêm nhiễm, tăng tiết chảy nước mũi. Ngoài ra, nên tránh sử dụng các đồ uống có cồn, cà phê… vì sẽ gây khô cổ họng, dịch mũi đặc dính, khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
Những người bị chảy nước mũi có thể kiểm soát tình trạng này thông qua biện pháp rửa mũi . Có thể xịt mũi bằng nước muối sinh lý, điều này sẽ giúp pha loãng dịch nhầy, giảm cảm giác kích ứng và khô niêm mạc mũi. Hoặc cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi. Đặt vòi vào một bên mũi và nghiêng đầu, rồi cho nước muối sinh lý từ từ chảy vào và thoát qua bên mũi còn lại. Trong quá trình thực hiện nên làm theo đúng hướng dẫn, tránh tình trạng rửa sai cách khiến nước mũi chảy ra nhiều hơn.
Khi ngủ nên kê cao gối để giảm các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi khó chịu. Dịch mũi được tống ra ngoài một cách tự nhiên sẽ giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn.
Lấy khăn nhúng vào chậu nước ấm (khoảng 35 - 40 độ C) rồi vắt khô đắp lên mũi và trán nhiều lần trong ngày. Nhiệt độ cao sẽ làm lỏng dịch nhầy trong mũi, dễ tống ra ngoài hơn, giảm cảm giác nghẹt mũi.
Đây cũng là một mẹo đơn giản trị hội chứng chảy dịch mũi sau. Khi hít sâu một làn hơi ấm nóng, lượng chất nhầy trong mũi sẽ giảm đi đáng kể. Hãy lấy một bát nước sôi, dùng một cái khăn to trùm kín đầu và bát nước. Sau đó hít thở hơi nóng ít nhất trong 10 phút. Chúng ta có thể thêm một số loại tinh dầu tự nhiên như tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, sả... để thư giãn hơn. Thực hiện 2 - 3 lần mỗi ngày cho đến khi hoàn toàn bình phục.
Ai cũng biết rằng một giấc ngủ sâu, đủ giấc là điều kiện quan trọng để cơ thể hồi phục sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều tế bào miễn dịch mới khi bạn chìm vào giấc ngủ. Một trong số đó là Cytokine – Protein, rất quan trọng để chống lại các tác nhân gây bệnh. Thêm vào đó, khi ngủ sẽ quên đi cảm giác ngột ngạt muốn xì mũi.
Tóm lại, có nhiều cách làm giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi tại nhà có thể mang lại hiệu quả. Hầu hết mọi người đều điều trị nghẹt mũi tại nhà, nhưng trẻ sơ sinh, người trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu thì nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Nếu nghẹt mũi, chảy nước mũi kèm theo tình trạng khó thở, sốt cao , chảy nước mũi vàng hoặc xanh, đau xoang hoặc chảy nước mũi có máu, có mủ… cũng nên đến gặp bác sĩ. Các trường hợp chảy nước mũi, nghẹt mũi ngày càng nặng hoặc kéo dài trên 10 ngày cũng nên đến các phòng khám chuyên khoa Tai – mũi – họng để được bác sĩ thăm khám.