Để rồi, những khó khăn trong cuộc sống đã thôi thúc nữ sinh học tập, phấn đấu học tập nhằm có tương lai tươi sáng hơn, sau này quay trở về xây dựng quê hương.
Nguyễn Như Phương - sinh viên năm nhất ngành Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao từ khi học THCS đã thích học văn, luôn nỗ lực học tập và thử sức với các kỳ thi của trường. Lên lớp 7, Như Phương mạnh dạn đăng ký tham gia học sinh giỏi môn Ngữ văn, cũng từ đây cơ duyên với các cuộc thi đến với em.
Như Phương trải lòng: “Mặc dù không đạt thành tích cao, nhưng những kỳ thi chọn học sinh giỏi từ cấp trường, huyện và tỉnh đã giúp em có kinh nghiệm trong học tập và thi cử sau này, giảm được áp lực tâm lý trường thi”.
Để có điều kiện học tập tốt, phát triển đam mê học văn của mình sau khi tốt nghiệp THCS, Như Phương quyết định thi vào lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Bắc Kạn (Bắc Kạn). “Tại đây, em được gặp những người bạn có cùng sở thích môn Ngữ văn, đồng thời nhờ sự cố vấn của thầy cô em có cơ hội nghiên cứu sâu kiến thức và mạnh dạn tham gia kỳ thi lớn như học sinh giỏi quốc gia”, Như Phương trải lòng.
Mặc dù đã tích lũy được kinh nghiệm từ nhiều kỳ thi, nhưng cùng lúc vừa ôn thi học sinh giỏi quốc gia, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, Như Phương cũng không tránh khỏi áp lực. Để không ảnh hưởng đến kết quả học tập, nữ sinh người Tày đã phải cân đối thời gian, cố trấn an bản thân không được bỏ cuộc giữa chừng dẫn đến đánh mất cơ hội vào ngôi trường đại học mình mơ ước.
“Mỗi ngày, toàn bộ thời gian ở trường em dành học các môn thi tốt nghiệp THPT. Đối với môn Ngữ văn, em ưu tiên học vào 4 giờ sáng, lúc đó tinh thần thoải mái, tỉnh táo học sẽ tập trung hơn”, Như Phương cho biết.
Riêng hai tháng cuối ôn thi chuẩn bị cho kỳ học sinh giỏi quốc gia, Như Phương không thể tham gia học các môn khác ở trên lớp. Phương đã nhờ bạn cùng lớp mình ghi âm các buổi giảng của thầy cô; dành thời gian giải lao hoặc một tiếng vào buổi tối để đọc sách giáo khoa và nghe lại băng ghi âm thầy cô giảng. “Những chỗ không hiểu, em liên hệ thầy cô bộ môn, bạn bè nhờ giải đáp thắc mắc”, Như Phương nói.
Ngoài ra, Như Phương còn tận dụng công nghệ để tự học, trau dồi các kiến thức xã hội, cập nhật thông tin trong nước và thế giới, lấy cảm hứng học tập. Những nỗ lực của cô nàng đã gặt hái thành công khi giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm 2023. Với giải thưởng đó, cô nàng giành tấm vé tuyển thẳng vào nhiều trường đại học.
Cũng giống như bao sinh viên khác, Như Phương đã bị sốc với môi trường, phương pháp học mới ở bậc đại học. “Thầy cô không còn cầm tay chỉ việc nữa mà thay vào đó, sinh viên phải chủ động tìm đọc giáo trình, tài liệu tham khảo trước mỗi giờ lên lớp.
Sinh viên là trung tâm của buổi học, tự mình đặt câu hỏi, trao đổi với các bạn khác; giảng viên chỉ hỗ trợ, chốt kiến thức vào cuối mỗi buổi học. Nhiều hôm em rời giảng đường trong cái đầu rỗng, phải mất gần nửa kỳ em mới ổn định và tìm ra được phương pháp học phù hợp với bản thân bắt nhịp với chương trình học”, Như Phương cho biết.
Theo đó những buổi nào không học ở giảng đường, nữ sinh người dân tộc Tày lại lên thư viện nghiên cứu tài liệu. Nữ sinh tham gia các hoạt động tập thể để rèn luyện kỹ năng giao tiếp; làm quen với các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và các anh chị khóa trên nhằm lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm mà họ đã vượt qua khủng khoảng trong những năm đầu đại học. Bên cạnh đó, để chuẩn bị hành trang tốt cho tương lai, Như Phương ngoài học tiếng Anh còn học thêm tiếng Pháp.
Gắn bó cùng Như Phương từ những ngày đầu bước vào bậc THPT, cô Nông Thị Giang - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Bắc Kạn chia sẻ: “Phương là học sinh chăm chỉ, luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên. Đặc biệt, em có tính tự học rất cao, chủ động tự tìm tòi kiến thức thông qua trang mạng xã hội, sách vở, báo đài. Trong mỗi bước đi quan trọng, Phương luôn xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng để hoàn thành các mục tiêu đề ra”.