Nhà máy xử lý chất thải của Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình (thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) chính thức đi vào hoạt động năm 2018 và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép Xử lý chất thải nguy hại lần đầu năm 2018, Giấy phép Môi trường số 113/GPMTBTNMT ngày 20/4/2023.
Ông Nguyễn Thế Mậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình (CNC) cho hay, với định hướng đầu tư phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nhà máy của công ty tập trung đầu tư vào công nghệ tái chế chất thải như nhựa, đồng, nhôm, đồng thời đốt rác thu hồi nhiệt để phát điện.
Nhà máy đã đầu tư hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt để tách rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ. Rác thải vô cơ sẽ được tái chế thành chất đốt, viên đốt cung cấp cho các nhà máy xi măng và cho các ngành công nghiệp khác; phần hữu cơ sẽ được sử dụng làm phân vi sinh.
Chất thải được công ty xử lý theo phương pháp đốt bằng lò đốt chất thải, hóa rắn hoặc hệ thống tái chế, thu hồi, đảm bảo chất thải sau khi xử lý của Nhà máy đều đạt các tiêu chuẩn theo quy định…
Đối với nước thải, sau khi qua hệ thống bể xử lý hóa lý và sinh học sẽ trở thành nước sạch, đảm bảo đạt QCVN 40:2011/BTNMT. Đặc biệt, quá trình xử lý chất thải được công nhân phân loại và chuyển ngay về nhà máy để xử lý. Ông Nguyễn Thế Mậu cho biết, với năng lực và uy tín của mình, công ty đã được các tập đoàn lớn tin cậy lựa chọn như: Samsung, Canon, nhiều doanh nghiệp FDI ở Miền Bắc và các nhà máy Vendor của Samsung…
"Với giấy phép hoạt động trên toàn quốc, mục tiêu những năm tới đây của công ty sẽ phát triển thị trường ra cả miền Trung và miền Nam" – ông Nguyễn Thế Mậu nói.
Ngoài việc xử lý chất thải cho các công ty, doanh nghiệp, nhà máy còn tập trung xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hiện mỗi ngày nhà máy tiếp nhận và xử lý khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bao gồm thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, huyện Yên Thủy, huyện Lạc Sơn, trong đó đối với rác thải sinh hoạt của huyện Lạc Thủy Công ty xử lý miễn phí, với khối lượng khoảng 100 tấn/ngày. Ngoài ra, năm 2023, nhà máy đã xử lý rác thải tồn đọng của thành phố Hòa Bình khoảng 10.000 tấn.
Trước đó, ngày 20/9/2023, Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình chính thức công bố thành lập Viện nghiên cứu môi trường công nghệ cao Hòa Bình do Sở Khoa học và Công nghệ Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cấp ngày 05/09/2023.
Viện do Tiến sĩ Phạm Văn Diễn, nguyên Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - Một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực Tự động hóa, làm Viện trưởng.
Đây là bước đi chiến lược theo định hướng trở thành công ty xử lý rác thải hàng đầu Việt Nam. Theo Viện trưởng Phạm Văn Diễn, với mong muốn góp phần tạo ra môi trường sống xanh, sạch tại Việt Nam, Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực công nghệ xử lý, tái chế chất thải (bao gồm: chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại ...), phế liệu, sản xuất các sản phẩm từ chất thải như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, phân bón hữu cơ cho nông nghiệp ...; Sản xuất thử nghiệm, triển khai thử nghiệm sản xuất các sản phẩm chế biến từ chất thải; cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ về môi trường theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Viện sẽ nghiên cứu những vấn đề xử lý rác thải môi trường mà Việt Nam đang quan tâm hàng đầu.
Bên cạnh đó, Viện sẽ là trung tâm đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao để phục vụ cho các dự án của tương lai, đồng hành cùng những mục tiêu chung của đất nước.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình là một trong 9 đơn vị của Việt Nam được chọn tham gia dự án chống biến đổi khí hậu do Chính phủ Anh tài trợ.
Chín dự án các-bon thấp trên khắp Việt Nam đã được chọn để tham gia Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) Việt Nam giai đoạn đầu tiên đại diện cho các lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải… có tiềm năng mang lại lợi ích cho các cộng đồng.