Dân Việt

Mông sưng tấy, cứng ngắc sau 4 năm tiêm filler "căng mông"

Diệu Linh 11/01/2024 06:06 GMT+7
Sau tiêm filler 4 năm, một phụ nữ ở Thái Bình đã phải nhập viện vì vùng mông sưng đau, tấy đỏ, cứng ngắc.

Tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, mới đây, khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 31 tuổi ở Thái Bình trong tình trạng mông phải có khối chắc, ranh giới không rõ, sưng nóng đỏ đau.

Theo lời bệnh nhân kể, đã tiêm filler 4 năm trước nhằm khắc phục và tăng thể tích phần mông phải,  nghe thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, chị N đã đến một cơ sở spa – thẩm mỹ (không nhớ tên) với mong muốn cải thiện hõm và tăng kích thước vòng 3. Tại cơ sở đó, bệnh nhân được thực hiện tiêm filler vào vùng mông. Sau tiêm tình trạng ổn định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh nhân bị sưng đau vùng mông, tấy đỏ, sờ vào cứng ngắc nên đã đi khám. Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương phát hiện vùng mông phải của bệnh nhân có đa ổ viêm mủ tại nhiều lớp tổ chức mô khác nhau.

Mông sưng tấy, cứng ngắc sau 4 năm tiêm filler "căng mông"- Ảnh 1.

Hình ảnh trước và sau can thiệp của bệnh nhân. Ảnh BSCC

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện chích rạch các ổ áp xe vùng mông. Trong quá trình chích rạch, bác bác sĩ thấy rất nhiều ổ áp xe tại các vị trí.

Bằng các lớp giải phẫu nông sâu khác nhau, các bác sĩ nạo bỏ dịch mủ, tổ chức hoại tử, lấy ra khoảng 50ml filler, bơm rửa các ổ áp xe đó.

Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị nội trú, hàng ngày thay băng và bơm rửa ổ áp xe, toàn trạng ổn định, tiến triển tốt. Dịch mủ và filler tồn dư cũng đã được lấy và gửi xét nghiệm.

Theo TS, bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, các chất tiêm vào mông bệnh nhân không có bản chất rõ ràng, không được Bộ Y tế hay FDA cấp phép, không rõ tiêm vào vị trí nào và số lượng ra sao. 

Do đó, việc phẫu thuật chỉ giải quyết được khối tổ chức chứa dịch rõ ràng trên những xét nghiệm và lâm sàng, có thể còn những chất làm đầy trong tổ chức mô tiềm tàng chưa gây viêm và hoại tử nhu mô. 

Có thể thời gian tới, bệnh nhân sẽ phải thực hiện thêm các thủ thuật chích rạch, nạo bỏ thêm các ổ áp khác. 

TS Quang cũng cho biết, tại khoa khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng cũng đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị viêm tấy áp xe mông sau tiêm chất lạ sau 5 năm, 10 năm phải phẫu thuật nhiều lần.

Mông sưng tấy, cứng ngắc sau 4 năm tiêm filler "căng mông"- Ảnh 2.

Bác sĩ khuyến cáo chị em muốn phẫu thuật, tiêm filler làm đẹp phải đến các cơ sở y tế được cấp phép. Ảnh minh họa contourclinics

"Thời gian gần đây, chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler qua những quảng cáo mỹ miều trên mạng xã hội như tiêm sóng xung kích, tiêm mỡ tự thân… tăng vòng 3 ở một số spa, cơ sở thẩm mỹ… Đây đều là những thông tin quảng cáo, không được kiểm chứng,.. 

Khi thực hiện tại một số cơ sở làm đẹp, quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu, thậm chí không phải là bác sỹ dẫn đến hệ lụy là có một số ít trường hợp khi đến vùng ngực đã bị hoại tử nặng.

Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện, các chị em cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật…

Chị em không nên thực hiện theo số đông, lời giới thiệu từ người thân quen hoặc quảng cáo sai sự thật của một số cơ sở làm đẹp không uy tín", TS Quang khuyến cáo.