Hàng loạt doanh nghiệp ở các tỉnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… rơi vào cảnh khốn đốn vì đơn hàng bị cắt giảm từ cuối năm 2022 kéo dài đến năm 2023. Chính vì điều này, nhiều doanh nghiệp đã buộc lòng phải cắt giảm hàng ngàn lao động, thậm chí, không ít doanh nghiệp phải giải thể.
Tưởng chừng khó khăn chỉ kéo dài vài tháng, nhưng đến nay, số lượng lao động khó khăn, bị ảnh hưởng bởi làn sóng mất việc vẫn còn đó. Tết đến xuân về, nhiều người chạnh lòng vì không có điều kiện về quê sum vầy.
Chị Trần Thị Tuyết (sinh năm 1983, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, sau khi bị sa thải ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) hồi giữa năm 2023, chị đã ôm hồ sơ đi xin việc khá nhiều nơi nhưng không tìm được việc.
Theo chị Tuyết, thời điểm đó có rất nhiều công nhân lao động của nhiều công ty mất việc, đi xin việc mới khắp nơi. Trong khi đó, các doanh nghiệp dày da, may mặc… hầu hết đều gặp khó khăn, không có đơn hàng nên không tuyển dụng.
"Bị mất việc đúng thời điểm khó khăn nên rất khó xin việc. Không chỉ đi rải hồ sơ, tôi còn đăng ký thông tin phiếu khảo sát để được giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, công việc được giới thiệu lại quá xa nơi ở nên không thể đi làm được. Cứ thế tới giờ này tôi vẫn đang thất nghiệp, ở nhà đưa đón con đi học và nội trợ", chị Tuyết bày tỏ.
Được biết, gia đình chị Tuyết có 2 con đều đang học cấp 2. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình cũng như tiền ăn học của con đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng chị Tuyết – một lao động tự do.
"Chồng tôi làm thợ đụng, ai thuê gì làm đó. Có khi thì đi phụ hồ, có khi thì làm bốc vác, chở đồ thuê… công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Nếu tằn tiện thì vừa đủ trang trải, còn nếu trong tháng có nhiều đám hiếu hỉ, hoặc đau ốm thì kiểu gì cũng phải vay mượn. Qua tết tôi cũng sẽ đi xin việc làm lại, chứ cứ thế này không ổn", chị Tuyết than.
Tương tự, chị Thu Hiền (sinh năm 1980, quê Đồng Tháp) cũng chật vật với cuộc sống sau khi bị cắt việc làm. Với mấy chục triệu đồng tiền bồi thường của công ty, chị Hồng "khởi nghiệp" buôn bán rau củ, trái cây. Trước khi buôn bán, chị Hồng đã đi xin việc làm khá nhiều nơi nhưng bất thành. Nguyên nhân không phải vì không có nơi nhận làm, nhưng hầu hết đều là việc trái với ngành nghề từng làm, hoặc ở xa nơi đang sinh sống.
Với công việc hiện tại, mỗi ngày tiền lời cũng tạm đủ để chị Hồng trang trải tiền ăn cho gia đình. Chồng chị chạy xe ôm, thu nhập không nhiều, đủ lo tiền thuê trọ, điện nước cũng như tiền học đại học và lớp 9 cho con.
"Chưa năm nào tôi thấy kinh tế khó khăn như năm nay. Dãy trọ nơi tôi ở từ trước tới giờ luôn hết phòng trống, vậy mà năm nay công nhân trả phòng gần nửa để về quê. Dịp này hàng năm ai cũng rôm rả kể chuyện lương, thưởng tết, còn năm nay thì thất nghiệp triền miên, chẳng ai đả động gì đến chuyện lương, chuyện tết…", chị Hồng tâm sự.
Chị Hồng chia sẻ thêm, nếu tình hình kinh tế vẫn bất ổn, không xin được việc làm, có thể sau tết gia đình chị sẽ chuyển về quê sinh sống. Còn bây giờ, cứ tạm đủ sống, chưa phải vay mượn đã là một điều đáng mừng.
Tương tự TP.HCM, "người hàng xóm" Bình Dương dù là "thủ phủ công nghiệp" nhưng số lượng người lao động thất nghiệp trong quý 3/2023 cao nhất nhì cả nước. Chuyện thất nghiệp kéo dài cả năm không có gì lạ đối với lao động ở một số nơi như phường An Phú, An Thạnh, Thuận Giao (TP.Thuận An, Bình Dương).
Chị Nguyễn Thị Huệ (35 tuổi, quê An Giang) cho biết, chị đã thất nghiệp tròm trèm một năm nay dù cũng đã tất tả đi xin việc nhiều nơi. Hiện tại, chi phí sinh hoạt của 5 người trong gia đình cũng như chi phí học hành cho con đều nhờ cả vào 5-6 triệu đồng tiền làm phụ hồ của chồng chị.
Không xin được việc làm, con cái thì còn nhỏ, chị Huệ vừa chăm con vừa nhận phụ việc nhà như nấu ăn, dọn nhà, giặt giũ, rửa chén… Ai thuê gì thì làm đó, tiền công được trả tùy theo công việc, dao động khoảng 30 – 50.000 đồng.
"Làm thêm này thì ngày có ngày không, nhưng cũng có thêm chút tiền để mua rau, mua lốc sữa cho con. Tiền bạc eo hẹp nên ăn uống trong gia đình cũng phải thắt chặt, mua con cá hay miếng thịt cũng phải kho đậm đậm một chút để ăn dần. Ấy vậy mà tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, phải vay mượn anh em, họ hàng để trang trải", chị Huệ nói.
Chia sẻ về kế hoạch tết sắp tới, chị Huệ thở dài, cười buồn. Từ năm 2020 đến nay, gia đình chị chưa về quê đón tết cùng gia đình. Năm nay cũng vậy, tiền ăn hàng ngày chưa đủ, nói gì đến chuyện về quê.
"Cũng buồn lắm, muốn về thăm cha mẹ, đoàn tụ ngày tết nhưng chịu thôi. Tới giờ còn không có một cắc dư trong người thì làm sao về quê được", chị Huệ buồn bã.
Chị Thùy Trang (43 tuổi, quê Hậu Giang) cũng ngậm ngùi khi nhắc đến tết. Chị cho biết, trước chị làm ở công ty giày da với mức lương khoảng 5 triệu đồng. Do khó khăn, công ty cắt giảm công nhân nên chị thất nghiệp. Không may là sau khi mất việc, chị Trang lại bị tai nạn gãy xương đùi, phải phẫu thuật ghép xương nhiều lần. Đến nay, dù đã có thể đi lại, nhưng chị cũng không thể xin đi làm như trước.
Chị Trang cho biết, chồng chị là tài xế chạy xe ô tô công nghệ. Sau khi trừ chi phí thuê xe, xăng xe… mỗi ngày cũng chỉ còn lại 200-300 ngàn đồng. Vì không thể kham nổi chi phí nên vợ chồng chị phải gửi con lớn (12 tuổi) về quê nhờ ông bà nuôi. Tết cận kề nhưng chưa có tiền về quê, chị Trang không khỏi chạnh lòng.
"Tới giờ vẫn còn ngổn ngang, muốn về tết mà lại không có tiền. Thường thì khi đi làm sẽ dành tiền lương, thưởng tết để về quê, giờ thất nghiệp đâu có khoản này. Cha mẹ, rồi con nhỏ ở quê gọi điện hoài, cứ hỏi chừng nào về, nghe mà buồn thắt ruột", chị Trang nhìn xa xăm.
Anh Trần Văn Đắng (40 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết, anh đi làm thợ hồ ở Bình Dương, nếu có việc thì mỗi ngày kiếm được 400-500 ngàn đồng. Anh không có vợ con, số tiền kiếm được sử dụng để trang trải cuộc sống và gửi về nuôi cha mẹ già. Tết này, anh Đắng không về quê, ở lại Bình Dương để kiếm việc làm thêm.
"Dịp tết người ta cần thuê bảo vệ trông xe nhiều nơi nên tôi ở lại kiếm thêm ít tiền. Năm nay khó khăn, thất nghiệp triền miên nên cũng không có dư tiền để về quê đón tết. Được cái là mấy năm nay, công nhân lao động ở lại nhiều lắm nên cũng đỡ buồn", anh Đắng cho biết.