Nằm giữa vùng núi non hiểm trở ở tỉnh Giang Tây, Bà Dương là hồ nước ngọt có diện tích lớn nhất Trung Quốc. Chiều dài hồ theo chiều bắc – nam là 173 km, rộng tối đa theo hướng đông – tây là 74 km, chu vi bờ hồ dài 1.200 km, diện tích mặt nước đạt hơn 3.200 km vuông. Độ sâu trung bình của hồ Bà Dương là 8,4 mét, nơi sâu nhất là hơn 30 mét, thấp hơn nhiều so với độ sâu của biển. Hồ này thông với Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc.
Hồ Bà Dương bắt đầu hình thành vào khoảng năm 400 SCN. Hồ này có diện tích rộng nhất vào thời nhà Đường, lên tới hơn 6.000 km vuông. Nguồn tài nguyên thủy sinh phong phú và sự phát triển giao thông đường thủy trên hồ Bà Dương đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng của tỉnh Giang Tây trong thời phong kiến. Tuy nhiên, cũng có hàng vạn người dân phải rời bỏ nhà cửa vì sự mở rộng của hồ nước này. Hiện nay, hồ Bà Dương là mỏ cát lớn nhất Trung Quốc.
Những sự kiện bí ẩn về hồ Bà Dương bắt đầu vào năm 1363, khi hồ nước này trở này một trong những chiến trường đẫm máu nhất lịch sử Trung Quốc.
Năm 1363, Chu Nguyên Chương (hoàng đế sáng lập nhà Minh) muốn đem quân đánh ngược lên phía bắc để đuổi nhà Nguyên khỏi lãnh thổ Trung Hoa nhưng vấp phải sự ngăn cản của đối thủ Trần Hữu Lượng. Hai bên lựa chọn hồ Bà Dương làm nơi quyết chiến. Vì tính chất đặc biệt quan trọng của trận đánh, Trần Hữu Lượng điều tới đây lực lượng cực kỳ đông đảo, lên tới hơn 65 vạn quân, cùng hơn 1.000 chiến thuyền lớn. Trong khi đó, Chu Nguyên Chương chỉ có hơn 20 vạn quân với số thuyền chiến chưa tới 1/3 so với của bên địch.
Nhờ những kế sách tài tình của quân sư Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn), Chu Nguyên Chương giành đại thắng ở trận Hồ Bà Dương. Ông kiểm soát hoàn toàn các vùng đất 2 bên bờ sông Dương Tử và làm bàn đạp để tiến quân lên phía bắc đánh bại nhà Nguyên. Trận hồ Bà Dương cũng là lần đầu tiên trong lịch sử người Trung Quốc biết sử dụng hỏa pháo lắp trên thuyền và tàu chiến lớn có tháp cao phun lửa sang tàu địch để tấn công. Hàng vạn người đã bỏ xác ở hồ Bà Dương sau trận chiến này, trong đó có cả Trần Hữu Lượng.
Theo Sohu, trận hồ Bà Dương là trận thủy chiến ác liệt nhất lịch sử Trung Quốc, có thể sáng ngang với trận Xích Bích thời Tam Quốc về mức độ thương vong.
Không rõ trước đây ra sao, nhưng sau sự kiện chết chóc nói trên, hàng loạt điều bí ẩn bắt đầu được ghi nhận ở hồ bà Dương. Trong thời Minh – Thanh, nhiều tàu đánh cá của ngư dân đã mất tích trên hồ này nhưng ít được chú ý bởi quan lại địa phương chỉ coi đây là những vụ tai nạn thông thường hay do “hà bá” gây ra. Sau trận thủy chiến năm 1363, Bà Dương còn bị gọi là “vùng nước chết”, “vùng nước oan hồn” do một số người quả quyết rằng họ “nhìn thấy ma” trên hồ.
Một trong những vụ mất tích tàu thuyền kỳ lạ nhất ở hồ Bà Dương xảy ra trong Thế chiến II. Ngày 16/4/1945, Kobe Maru – con tàu chở hàng khổng lồ nặng hơn 2.000 tấn – cùng 200 binh sĩ phát xít nhật đã mất tích không dấu vết khi đi qua hồ Bà Dương.
Theo Epoch Times, tàu Kobe Maru chở rất nhiều vàng bạc, châu báu, đồ tạo tác quý giá mà phát xít Nhật cướp bóc được khi xâm lược Trung Quốc. Hải quân Nhật Bản đã cố gắng tìm kiếm con tàu này. Một đội thợ lặn chuyên nghiệp gồm 7 người lặn xuống hồ Bà Dương nhưng chỉ có duy nhất một người sống sót ngoi lên được trong tình trạng phát điên. Phát xít Nhật vì vậy chịu mất trắng con tàu Kobe Maru. Thi thể của 6 thợ lặn còn lại chưa bao giờ được tìm thấy.
Năm 1946, sau khi đánh đuổi được phát xít Nhật, Trung Quốc cũng muốn tìm kiếm và trục vớt con tàu giá trị. Edward Boer – chuyên gia tìm kiếm, cứu nạn tàu đắm người Mỹ – được mời đến với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhưng không phát hiện bất kỳ dấu vết nào của Kobe Maru sau một tháng tìm kiếm.
40 năm sau, trên tờ United Nation Environment, Edward Boer tiết lộ khi lặn xuống hồ Bà Dương cùng 2 thợ lặn chuyên nghiệp khác, ông nhìn thấy “ánh sáng chói lóa từ đáy hồ hắt lên”.
“Cả đội bị thứ ánh sáng đó hút vào một vùng nước xoáy. Đó là một lực hút vô hình kỳ lạ. Chúng tôi choáng váng. Tôi bị va phải đá ngầm và bất lực nhìn đồng đội bị cuốn vào nước xoáy”, Edward Boer kể.
Edward Boer là người duy nhất sống sót trong đội tìm kiếm tàu Kobe Maru. Thi thể 2 thợ lặn làm việc cùng ông đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy hồ Bà Dương. Sự biến mất của tàu Kobe Maru chỉ là khởi đầu cho hàng loạt tai nạn bí ẩn khác trên hồ Bà Dương được lịch sử ghi lại.
Theo Mysterious Universe, trong khoảng thời gian từ năm 1960 – 1980, hơn 200 tàu, thuyền đã mất tích ở hồ Bà Dương, khiến hơn 1.600 người thiệt mạng. Chỉ có 30 người sống sót sau những vụ tai nạn, nhiều người trong số này trong tình trạng thần trí không tỉnh táo. Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể do họ gặp tổn thương nặng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ngày 3/8/1985, 13 tàu đánh cá đã mất tích cùng lúc trên hồ này. Năm 2001, một tàu chở cát cỡ lớn của Trung Quốc bị sóng đánh chìm và biến mất không để lại dấu vết trên hồ Bà Dương. Tháng 3/2010, một tàu chở hàng nặng hơn 1.000 tấn có thiết bị định vị hiện đại cũng mất tích khi đi qua “hồ nước tử thần”.
Theo trang Vagabond Journey, điều kỳ lạ nhất là người ta không thể tìm thấy những xác tàu gặp nạn trên hồ Bà Dương dù độ sâu trung bình ở hồ này chỉ có 8,4 mét. Năm 1980, hải quân Trung Quốc cử một đoàn thám hiểm, nghiên cứu bí ẩn hồ Bà Dương nhưng ra về tay trắng. Một binh sĩ được cho là đã gặp nạn khi lặn xuống hồ, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận thông tin này.
“Với quá nhiều vụ tai nạn tàu thuyền xảy ra thì việc không tìm thấy xác, mảnh vỡ của tàu và hài cốt của những người gặp nạn ở hồ Bà Dương là điều rất khó giải thích. Việc nhiều nhân chứng bị loạn trí sau những vụ tai nạn cũng là điều bí ẩn”, Jiahu Jiang – chuyên gia tại Viện nghiên cứu địa lý thành phố Nam Kinh, Trung Quốc – nói với trang Vagabond Journey.
Năm 1977, ba đập nước được xây dựng ở hồ Bà Dương. Con dập lớn nhất với chiều dài 6 km, rộng 50 mét và cao 20 mét bị sóng đánh vỡ vụn trong một đêm và chìm xuống hồ. Nhiều hiện tượng như sóng cao bất ngờ, xoáy nước, ánh sáng bí ẩn dưới lòng hồ, sấm sét dữ dội, những bóng trắng lờ mờ… thậm chí là cả UFO cũng được báo cáo xuất hiện ở khu vực hồ nước này.
Nhiều người cho rằng dưới đáy hồ Bà Dương có cổng không gian, lỗ đen, thiên thạch vũ trụ phát ra từ tính dị thường, thủy quái… nhưng chưa có giả thuyết nào giải thích thỏa đáng bí ẩn về những vụ mất tích ở hồ nước này. Theo China News, khoảng 2.000 năm trước, một thiên thạch lớn đã rơi xuống hồ Bà Dương. Thiên thạch này có thể sinh ra lực hút đối với tàu thuyền làm bằng kim loại hoặc gây nhiễu loạn từ trường khiến thiết bị định hướng trên tàu hư hỏng, gây tai nạn.
Một chi tiết khác khiến các chuyên gia nghi vấn là hồ Bà Dương nằm ở vĩ độ 30 độ bắc, cùng vĩ độ với Tam giác quỷ Bermuda. Nhiều địa điểm “tử thần” khác trên Trái đất như Thung lũng chết (Mỹ), Tam giác rồng (Nhật Bản), Rãnh Mariana (Đại Tây Dương)… cũng nằm trên vĩ độ này.
Tháng 3/2000, một nhóm chuyên gia Trung Quốc đã sử dụng sóng siêu âm và phát hiện 16 điểm “bất thường” dưới đáy hồ Bà Dương, nghi là xác tàu đắm. Tuy nhiên, không ai dám lặn xuống hồ để kiểm chứng.
Nhiều người dân ở Giang Tây cho rằng, những vụ mất tích bí ẩn ở hồ Bà Dương có liên quan đến ngôi đền Lão Gia (Laoye) xây ven hồ. Theo Nhật báo Giang Tây, đền Lão Gia do Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) xây dựng.
Truyền thuyết dân gian kể lại, trong trận thủy chiến ở hồ Bà Dương, có lúc Chu Nguyên Dương thất thế trước Trần Hữu Lượng và buộc phải rút lui. Khi Chu Nguyên Chương bị quân địch truy kích, một con rùa khổng lồ nổi lên trên hồ Bà Dương đã cõng ông chạy thoát sang bờ bên kia.
Sau khi lên ngôi hoàng đế, Chu Nguyên Chương phong con rùa này là “Nguyên tướng quân” và xây ngôi đền Định Giang Vương (đền Lão Gia) để tưởng nhớ. Một số ngư dân lâu năm ở hồ Bà Dương cho rằng, khi đi qua hồ mà nói những lời bất kính, họ sẽ bị “Lão Gia” trừng phạt bằng cách làm cho đắm thuyền.
Trên hành tinh này vẫn còn nhiều địa điểm bí ẩn mà con người chưa thể giải mã được. Một trong số chúng có “thói quen nuốt chửng” tất cả mọi thứ mà không cho phép chúng ta tìm hiểu hay ghép nối những gì đã xảy ra.