Bóng đá Trung Quốc đang trải qua những ngày buồn thảm khi hai nhân vật quan trọng là cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, Chen Xuyuan và cựu HLV trưởng Li Tie đều bị tạm giam vì cáo buộc tham nhũng.
Chưa dừng lại ở đó, theo tờ China News Weekly, nhiều cầu thủ ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc đã bị cảnh sát bắt giữ vì liên quan tới dàn xếp tỷ số. Trong số này, người ta thấy sự xuất hiện của nhiều cựu tuyển thủ quốc gia.
Sau Tết Nguyên Đán, cầu thủ Wu Xinghan của CLB Lỗ Năng Sơn Đông (Shandong Taishan) đã dính líu tới bê bối ngoại tình. Điều đáng nói, trong đoạn tin nhắn mà cầu thủ này gửi cho bạn gái, nhiều góc khuất của bóng đá Trung Quốc đã được hé lộ.
"Bây giờ giải vô địch quốc gia Trung Quốc đầy rẫy nạn dàn xếp tỷ số", "Mỗi người có thể kiếm được 300.000 đến 400.000 nếu dàn xếp thành công một trận đấu", "Kiếm tiền bây giờ dễ lắm"… là những đoạn tin nhắn Wu Xinghan gửi cho bạn gái.
Wu Xinghan từng đại diện cho ĐT Trung Quốc tham dự vòng loại World Cup 2022 và là trụ cột của CLB Shandong Taishan. Điều đáng nói, chính bạn gái của cầu thủ này đã chụp màn hình và gửi bằng chứng liên quan cho cơ quan chức năng để tố cáo nạn dàn xếp tỷ số ở bóng đá Trung Quốc.
Vào tháng 8 năm ngoái, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp để bàn về phương thức thi đấu ở các giải đấu ở đất nước này (giải vô địch quốc gia, giải hạng Nhất, giải hạng Hai). Trong buổi họp, họ nhận được đơn tố cáo về việc nhiều cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số. Ngay sau đó, cơ quan này tổ chức một tổ công tác đặc biệt để phối hợp với cảnh sát điều tra hoạt động bất hợp pháp và nạn dàn xếp tỷ số trong giới cầu thủ.
Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cũng cảnh báo các CLB rằng hiện tượng đánh bạc đang tràn lan trong giới cầu thủ. Các CLB buộc phải quản cầu thủ để đảm bảo tuân thủ quy tắc và hoạt động đúng với luật pháp.
Vào tháng 3 năm nay, Giám đốc Tổng cục Thể thao Nhà nước, Gao Zhidan lên tiếng: "Trong thời gian gần đây, trước những vấn đề nghiêm trọng tồn tại trong giới bóng đá, chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp, cải cách để làm trong sạch nền bóng đá Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết trấn áp và nghiêm trị nạn tham nhũng, cờ bạc và dàn xếp tỷ số trong bóng đá và các lĩnh vực khác để đảm bảo sự phát triển lành mạnh".
Tờ China News Weekly cho biết chưa có bằng chứng nào cho thấy CLB tham gia dàn xếp tỷ số một cách rõ ràng. Không giống như các tệ nạn thông thường, việc dàn xếp tỷ số thường diễn ra khá tinh vi, che giấu kỹ lưỡng. Do đó, rất khó để xác định mức độ vi phạm của các cầu thủ qua một vài trận đấu. Thay vào đó, các nhà chức trách phải điều tra dựa trên bằng chứng, manh mối từ nguồn tin từ các nhà cái.
Có thông tin cho rằng một cầu thủ của CLB Shandong Taishan không chỉ tham gia dàn xếp tỷ số, mà còn đóng vai trò tổ chức, phân công và chia tiền cho các đồng đội.
Một số nhà báo ở Trung Quốc cho rằng có những cầu thủ tham gia vai trò trung gian. Họ có thể thao túng trận đấu mà không cần xuất hiện trên sân. Một nhà báo giấu tên chia sẻ: "Thông thường, những thủ môn và hậu vệ là những người dễ dàn xếp tỷ số nhất. Có một cầu thủ đóng vai trò trung gian, đầu mối để thuyết phục những đồng đội hợp tác".
Một cựu thủ môn chia sẻ với China News Weekly: "Tôi được tiếp cận nhưng từ chối. Sau đó, nhóm dàn xếp cạch mặt tôi. Nói chung, vấn đề dàn xếp tỷ số không chỉ liên quan tới một cá nhân nào cụ thể bởi vì một cầu thủ tạo ra quá ít ảnh hưởng. Thông thường, nhóm dàn xếp sẽ mua chuộc cả trụ dọc của đội bóng".
Đó cũng là chia sẻ của một cầu thủ khác: "Thông thường, những tay môi giới sẽ mua chuộc thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo. Một cầu thủ không thể thao túng kết quả cả trận đấu. Ngay cả thủ môn cũng khó có thể thao túng cả trận đấu.
Không phải tự dưng, nạn dàn xếp tỷ số xuất hiện và nở rộ trong làng bóng đá Trung Quốc trong hai năm trở lại đây. Tôi tập luyện cùng với các đồng đội trong thời gian dài. Tôi nắm rõ tính cách, khả năng của từng người. Do đó, chỉ cần nhìn thoáng qua, tôi có thể biết được anh ta có bị mua chuộc hay không".
Thậm chí, cầu thủ này còn khẳng định nhìn được cả điểm "không bình thường" của đối thủ. Anh tiếp lời: "Có một vài cầu thủ cấp cao của Trung Quốc nhưng mắc những lỗi ngớ ngẩn. Trong mắt các cầu thủ chuyên nghiệp, những lỗi ấy chẳng khác gì trò hề. Nhưng ngay cả khi bạn thấy điều đó thì sao? Bạn kiện được ai? Làm gì có bằng chứng?".
Nhiều quan điểm cho rằng nạn bán độ ở bóng đá Trung Quốc diễn ra trong thời kỳ nhiều CLB suy thoái. Tiền lương và thưởng của các cầu thủ bị cắt giảm chóng mặt. Tờ China News Weekly dẫn lời một cầu thủ khác: "Khi mất lương cao, họ sẽ nghĩ ngay tới dàn xếp tỷ số. Tuy nhiên, lương thấp và phạm tội là hai phạm trù khác nhau. Mặc dù nhiều CLB gặp khó khăn về tài chính nhưng điều này không phải là lý do khiến họ tham gia dàn xếp tỷ số. Nó giống như hành động dối trá".
Nhưng vấn đề ở chỗ, các cầu thủ bị bắt vì bán độ đều thuộc những CLB không gặp khó khăn lớn về tài chính. Thậm chí, một vài CLB ở Trung Quốc còn tuyên bố chưa nợ cầu thủ một ngày lương nào.
Trường hợp của HLV Li Tie là ví dụ. Mức lương của ông ở CLB Hà Bắc hay Vũ Hán đều rất cao. Sau đó, ông nhận lời dẫn dắt đội tuyển Trung Quốc lên tới hơn 3 triệu nhân dân tệ mỗi năm. Thế nhưng, ông vẫn vướng vào cáo buộc tham nhũng.
Những người hâm mộ Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ khi cơ quan chức năng liên tục bắt giữ và phanh phui nạn bán độ ở bóng đá nước này. Với phương châm "cạo xương chữa độc", cơ quan điều hành bóng đá Trung Quốc đang muốn loại bỏ triệt để những ung nhọt từ trong xương tủy, để hướng tới môi trường trong sạch và lành mạnh hơn.
Trong những năm qua, có không ít vụ bắt bớ liên quan tới bóng đá nhưng vấn đề là cơ quan chức năng không làm triệt để. Chỉ tới khi những nhân vật cấp cao như Chen Xuyuan hay Li Tie bị bắt giữ, bóng đá Trung Quốc mới thực sự cho thấy quyết tâm.
Cách đây 10 năm, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc từng có cuộc "càn quét" quy mô rộng về nạn dàn xếp tỷ số, đánh bạc ở bóng đá nước này. Hệ quả, hàng trăm người làm bóng đá liên đới, hàng chục người bị kết án, trong đó có cầu thủ, HLV, trọng tài, người đại diện cầu thủ…
Trong cơn bão đó, Tòa án Thẩm Dương đã kết án Shen Si, Qi Hong, Jiang Jin và Li Ming với mức án từ 6 tháng tù tới 6 năm tù. Bốn người đã bị phạt trung bình 500.000 nhân dân tệ và thu lại 8 triệu tệ tiền bất hợp pháp.
Những nghi ngờ liên quan tới trận đấu giữa Shanghai International và Tianjin Teda vào năm 2003. Thời điểm ấy, Tổng giám đốc của Teda đã thông qua trung gian đưa 8 triệu tệ cho bốn cầu thủ để yêu cầu họ dàn xếp tỷ số.
Sau đó, Ủy ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã đưa ra các hình phạt theo quy định tại Điều 5, 70 và 49 trong quy chế "Hướng dẫn kỷ luật và biện pháp trừng phạt của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc". Họ cấm thi đấu suốt đời với bốn cầu thủ Shen Si, Qi Hong, Jiang Jin và Li Ming.
Tờ China News Weekly cho biết, sau cơn bão, nhiều CLB đã có những biện pháp như tạm giữ điện thoại, máy tính xách tay của các cầu thủ trước mỗi trận đấu. Tuy nhiên, cách quản lý như vậy đã làm tăng mâu thuẫn giữa cầu thủ và đội bóng. Điều đó ảnh hưởng tới tinh thần của toàn đội. Do đó, sau đó, biện pháp này được xóa bỏ.
Thậm chí, cho tới ngày nay, nhiều nhà quản lý của các CLB chuyên nghiệp Trung Quốc thừa nhận rằng việc loại bỏ hoàn toàn tình trạng dàn xếp tỷ số là điều không thể. Bởi lẽ, càng ngày, những phương thức dàn xếp càng trở nên tinh vi và khó lường hơn.
Năm 2011, Wei Di, khi đó là Giám đốc Trung tâm Quản lý Bóng đá kiêm Bí thư Đảng ủy Tổng cục Thể thao Nhà nước, đã đề xuất ý tưởng thành lập một ủy ban giám sát để truy quét nạn dàn xếp tỷ số. Tuy nhiên, chính ông thừa nhận: "Chúng tôi rất khó có được bằng chứng về vấn nạn dàn xếp tỷ số". 12 năm trôi qua, những người làm bóng đá Trung Quốc vẫn không thể triệt tận gốc vấn nạn này.
Tuy nhiên, theo tờ Sina khẳng định: "So với 10 năm trước, cường độ trấn áp nạn dàn xếp tỷ số trong bóng đá Trung Quốc còn lớn hơn rất nhiều". Chỉ tới khi "cạo xương trị độc", bóng đá Trung Quốc mới xây dựng được nền tảng bền vững, để phát triển.
CCTV (Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc) thường xuyên phát sóng lời thú tội của các nghi phạm hình sự, bao gồm cả các cựu quan chức, trước khi họ ra hầu tòa. Trong chương trình lần này, Li Tie - cựu HLV ĐT Trung Quốc cho biết, ông đã hối lộ gần 421.000 USD (khoảng hơn 10 tỷ đồng) để đảm bảo vị trí HLV trưởng ĐT Trung Quốc và đã giúp dàn xếp các trận đấu khi còn dẫn dắt CLB. "Tôi rất xin lỗi. Lẽ ra tôi nên đi theo con đường đúng đắn", Lie Tie nói.
Khi nhận công việc HLV ĐTQG vào tháng 1/2020, Li Tie tuyên bố ông đã đạt được một trong những "giấc mơ lớn nhất" của mình. Nhưng đoạn phim tài liệu phát sóng ngày 9/1 đã vẽ nên một bức tranh kém lành mạnh hơn. Theo nội dung phim tài liệu, cựu danh thủ 46 tuổi đã yêu cầu CLB Vũ Hán Zall – nơi Li Tie làm dẫn dắt – thay mặt ông can thiệp với Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA), hứa trả ơn. CLB này đã trả 2 triệu nhân dân tệ (281.000 USD) để hối lộ Chen Xuyuan, thời điểm đó là Chủ tịch CFA và hiện cũng đang bị điều tra tội tham nhũng.
Li Tie cũng cho biết ông đã tự bỏ tiền túi hối lộ 1 triệu nhân dân tệ cho Tổng thư ký CFA.