Bé Quang Huy bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ khi xem các chương trình trên tivi, Youtube. Những tiếp xúc đầu tiên là qua nghe nhạc, xem phim hoạt hình rồi đến các kiến thức đơn giản như đếm số, màu sắc... Cứ thế, gia đình để con phát triển tự nhiên với ngôn ngữ thứ 2.
Anh Vũ Anh Tuấn - bố của Quang Huy cho biết - khi 3 tuổi, một lần xem chương trình trên tivi có phần điền từ bằng tiếng Anh, bố mẹ khá bất ngờ khi con có thể làm đúng hết.
Kiểm tra thêm kiến thức khác, thấy con nói được, đọc được tiếng Anh, bố mẹ hướng dẫn cho con tự học ở nhà nhiều hơn. Ban đầu bằng các từ lẻ, dần dần bé biết nói các câu dài.
Đến 4 tuổi, cậu bé có khả năng tự đọc tiếng Việt theo dạng chụp ảnh, ghi nhớ. Ông bà, bố mẹ tạo kích thích cho con bằng cách bày tỏ mong muốn con đọc sách cho mọi người nghe.
Ông bà thường hướng dẫn, khuyến khích bé viết thư, nhắn tin hỏi thăm và gửi lời yêu thương cho bố mẹ. Hơn 4 tuổi, bé có khả năng viết cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Dịp hè vừa qua, bé trai chưa tròn 6 tuổi tự mày mò, làm các dạng bài Flyers trên app (ứng dụng) học online (trực tuyến) và tham gia thi hồi tháng 11/2023. Kết quả vừa được gửi về hôm 9/1 vừa qua, bé đạt 14/15 khiên.
Chia sẻ về niềm vui khi học tiếng Anh, bé Quang Huy cho hay rất thích thú với kiến thức khoa học, lịch sử bằng tiếng Anh. Bé thường vào mạng để xem các video, phim truyện hoặc đọc truyện tiếng Anh.
"Con đi thi rất thoải mái để kỷ niệm trước dịp sinh nhật 6 tuổi của mình. Con thích câu hỏi về một địa điểm mà con đi vào một ngày nghỉ. Khi ấy, con đã giới thiệu về Hoàng Thành Thăng Long - một di tích lịch sử ở Hà Nội mà con cùng bố mẹ và các bạn đến chơi vài lần", Quang Huy nói.
Vào lớp 1, Quang Huy dành nhiều thời gian cho chương trình trên lớp nên mỗi tối thứ hai và thứ năm hàng tuần, em dành một tiếng đồng hồ để học kiến thức tiếng Anh mới.
Ngoài ra, hàng ngày, Huy sẽ nói chuyện với em gái nhỏ, bố mẹ bằng tiếng Anh. Cuối tuần khi cả gia đình đi chơi, đến một địa điểm mới, hai anh em sẽ thay nhau thuyết trình và nêu cảm nhận và hiểu biết về địa điểm đó một cách tự nhiên và vui vẻ.
Giúp con phát triển song hành cả hai ngôn ngữ, gia đình để hai con nói chuyện theo cảm xúc. Khi con muốn nói thứ tiếng nào, cả nhà sẽ cùng trò chuyện chứ không áp đặt.
Gắn bó với quá trình học tiếng Anh của con, chị Anh Thơ - mẹ của Quang Huy - cho rằng việc học tiếng Anh khá đơn giản khi các con xem đó là niềm vui.
"Con thử sức thi khi chưa tròn 6 tuổi và gia đình khá bất ngờ về kết quả này. Từ những trải nghiệm của mình, tôi cho rằng cách học ngôn ngữ tốt nhất là bằng niềm đam mê", chị Anh Thơ nói.
Theo kinh nghiệm từ chính việc nuôi dạy con, vợ chồng anh Tuấn, chị Thơ chia sẻ sự định hướng, đồng hành của bố mẹ tương đối quan trọng trong việc dạy con học.
Bố mẹ bé Quang Huy kể việc học tiếng Anh không quá tốn kém nhiều tiền nếu đi đúng hướng. Gia đình em chỉ mất vài trăm ngàn đồng mua ứng dụng và tiền sách vở.
Ngoài ra, bố mẹ tạo động lực cho con tham gia những cuộc thi vui vẻ để con tự tin hơn, được giao lưu với các bạn học tiếng Anh khác như quay video thuyết trình bản thân, thi rung chuông vàng tiếng Anh...
"Điều quan trọng nhất là bố mẹ tạo được niềm vui, đam mê cho con được học, không ép buộc, máy móc hay đặt mục tiêu quá lớn cho con. Song bố mẹ cũng cần định hướng, sàng lọc kiến thức, khích lệ cho con, không cho con tự do sử dụng mạng dễ dẫn đến sa vào các chương trình không phù hợp lứa tuổi", anh Vũ Anh Tuấn nói.
Chứng chỉ Flyers là bài thi cao nhất trong chương trình Cambridge dành cho trẻ tiểu học, tương đương với trình độ A2 trên Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR). Độ tuổi thi Flyers Cambridge khoảng 9-11 tuổi (tương đương lớp 4, lớp 5, lớp 6).
Các bài thi này đánh giá năng lực tiếng Anh trẻ em với 3 bài thi nhỏ: nghe (listening), đọc và viết (reading và writing) và nói (speaking).
Các bài thi được thiết kế xoay quanh các chủ đề quen thuộc và tập trung vào các kỹ năng cần thiết để giao tiếp tiếng Anh hiệu quả với thiết kế, màu sắc, hình ảnh sinh động, phù hợp với các bé độ tuổi tiểu học.
Trên chứng chỉ tiếng Anh thiếu nhi Flyers, kết quả các bài thi không thể hiện bằng điểm số mà thông qua các biểu tượng hình khiên (tiếng Anh là "shield"). Khiên được lấy biểu tượng từ các hiệp sĩ hoàng gia và sau này trở thành logo của Cambridge, giống như huy hiệu của sự chiến thắng.
Số khiên của bài thi Flyers được quy đổi từ điểm thi. Mỗi câu đúng trong từng bài thi được chấm điểm khác nhau (mỗi câu đúng được 1 hoặc 2 điểm).