Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tiêu chí xác định các công trình, dự án trọng điểm là các dự án có sử dụng vốn đầu tư công, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A; các dự án không sử dụng vốn ngân sách là các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung vào các nhóm công trình, dự án theo các nhóm. Nhóm 1 gồm các công trình, dự án đường sắt; nhóm 2 gồm các công trình, dự án thực hiện thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) được quy định tại Nghị quyết số 98; nhóm 3 gồm các công trình, dự án thuộc các đề án thực hiện các Chương trình đột phá và Chương trình trọng điểm phát triển Thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố sẽ chỉ đạo việc thực hiện nghiên cứu, rà soát quy hoạch (quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng) để xác định danh mục các công trình, dự án trọng điểm cần tập trung triển khai thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2024-2030.
Trên cơ sở đó, chỉ đạo việc lựa chọn phương thức đầu tư (đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hoặc đầu tư tư nhân), hình thức đầu tư và nguồn vốn đầu tư; kiến nghị UBND TP giao các sở có liên quan tham mưu danh mục dự án trọng điểm cần ưu tiên triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030; theo dõi, rà soát tình hình thực hiện, chỉ đạo việc triển khai thực hiện những thủ tục đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, đảm bảo đúng tiến độ và đúng quy định.
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và các Ban quản lý dự án của Thành phố xác định danh mục dự án cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc có liên quan để hoàn tất thủ tục trình quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư 29 dự án.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Ban chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm sẽ xác định theo cấp độ công trình, tính chất đặc biệt và quan trọng là tính chất dự án sẽ đưa vào danh sách. Ban chỉ đạo sẽ giải quyết các vấn đề lớn, phải có định hướng chuẩn bị về danh mục, phương thức, quy mô, tiến độ chuẩn bị, quan trọng thúc đẩy triển khai dự án có tính liên ngành, trong đó, tập trung tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, đảm đảm tiến độ chung.
Đồng thời, Ban chỉ đạo có ý kiến ban hành cơ chế chính sách trên cơ sở vận dụng quy định, để huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, ứng dụng công nghệ, phương thức triển khai công trình, dự án để bảo đảm tiến độ.
Ban chỉ đạo sẽ hoạt động họp định kỳ 2 tháng 1 lần, tổ chuyên ngành họp mỗi tháng, tổ dự án hoạt động thường xuyên, khi cần thiết thì có thể họp đột xuất để giải quyết vấn đề. Về danh sách các dự án trọng điểm, theo ông Mãi, có thể lựa chọn các dự án theo nhiều tiêu chí như các dự án đường sắt, công trình dự án nhóm A, dự án giao thông như Vành đai 3, Vành đai 4, nút giao An Phú, Mỹ Thủy, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, rạch Xuyên Tâm… Dự kiến Ban chỉ đạo hoạt động đến năm 2030.