Theo dự kiến của Hội đồng xét xử, phiên sơ thẩm vụ đại án Việt Á xét xử 38 bị cáo với 5 tội danh sẽ diễn ra trong khoảng 20 ngày, bắt đầu từ ngày 3/1. Tuy nhiên trên thực tế, Hội đồng xét xử chỉ cần đến 8 ngày đã xét xử xong đại án này.
Theo đó, ngày 3/1 phiên sơ thẩm bắt đầu khai mạc. Trong các ngày 3, 4, 5/1/2024, HĐXX tiến hành thẩm vấn 38 bị cáo và các đơn vị liên quan. Ngày 6, 7/1, tòa nghỉ.
Ngày 8/1, Hội đồng xét xử giành thời gian cho vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo. Phiên tòa lúc này bước vào phần tranh luận với phần tự bào chữa của các bị cáo, các luật sư và phía Viện Kiểm sát tranh luận lại với các quan điểm bào chữa cho các bị cáo.
Tối muộn ngày 9/1, Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc tranh luận, cho 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á được nói lời sau cùng trước khi nghị án. Bắt đầu từ lúc đó, Hội đồng xét xử bước vào nghị án, đến 14 giờ 30 phút ngày 12/1, tòa sơ thẩm bắt đầu tuyên án. Như vậy, chỉ cần đến 8 ngày làm việc thực tế, Hội đồng xét xử đã giải quyết xong các vấn đề được đặt ra trong vụ án và tuyên mức án đối với các bị cáo.
Về phía nhân thân các bị cáo, trong đại án này có đến 3 cựu Uỷ viên Trung ương bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử, đây cũng là một tình tiết rất đáng chú ý. 3 người này gồm ông Nguyễn Thanh Long – cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phạm Xuân Thăng – cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Cả 3 người này đều bị quy kết có nhận tiền từ Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và tại tòa cả 3 đều thừa nhận hành vi này, mong Hội đồng xét xử khoan hồng cho mình.
Chiều qua (12/1), trước khi tòa tuyên án, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đề nghị thay đổi mức án với 38 bị cáo. Đây là một tình tiết rất đáng chú ý trong đại án tham nhũng này.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc CDC Bình Dương được đề nghị miễn trách nhiệm hình sự với lý do ông Danh không có động cơ vụ lợi, nhiều tình tiết giảm nhẹ, là công dân ưu tú của Bình Dương. Ông Danh ngày 8/1 bị Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đề nghị phạt 10 tháng 4 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ông Danh, cơ quan truy tố cũng đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Trần Thanh Phong - cựu phó Phòng Tài chính - Kế toán CDC Bình Dương với lý do ông này tuân theo chỉ đạo, không có động cơ vụ lợi.
Trước đây cũng có vụ án hình sự được Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm năm 2020, cơ quan truy tố trước khi bước vào tranh luận cũng đã thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo trong vụ án từ "Giết người" sang tội "Chống người thi hành công vụ".
Tuy nhiên, việc thay đổi quan điểm, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho 2 bị cáo trước giờ tuyên án như quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội ở đại án Việt Á là một thông tin đáng chú ý.
Ngoài ra, cũng trước giờ tuyên án đại án này, theo đại diện Viện Kiểm sát, sau khi nghiên cứu tình tiết trong hồ sơ vụ án, quá trình tranh luận, xét hỏi tại phiên tòa và các tình tiết giảm nhẹ, thấy có một số bị cáo cần được giảm nhẹ mức hình phạt.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Trịnh - cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ bị xét xử về tội "Nhận hối lộ".
Xét bị cáo có đơn tự thú và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, Viện Kiểm sát đề nghị mức án 5 đến 6 năm tù đối với bị cáo này (trước đó Nguyễn Văn Trịnh bị đề nghị từ 7 đến 8 năm tù).
Với bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên - nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội nhận thấy người này có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã chủ động khắc phục hậu quả trước khi khởi tố, do đó Viện Kiểm sát đề nghị mức án 30 đến 36 tháng cho hưởng án treo, thay vì mức án 2 đến 3 năm tù như đề nghị trước đó.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, tòa sơ thẩm đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh – cựu Giám đốc CDC Bình Dương.
Với Trần Thanh Phong, dù được đề nghị miễn giảm nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và diễn biến xét xử, tòa sơ thẩm vẫn quyết định phạt người này 24 tháng tù treo.
Với Lê Thị Hồng Xuyên, người này được tuyên mức án thấp hơn mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị thay đổi phút "89", phạt Xuyên 24 tháng tù treo. Còn với bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, bị cáo này cũng được tuyên mức án thấp hơn mức đề nghị mà Viện Kiểm sát đã thay đổi. Ông Trịnh bị tòa tuyên phạt 4 năm tù cho tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Một tình tiết đáng chú ý khác, đó là về dân sự. Tòa sơ thẩm phân tích, Công ty Việt Á thu lợi bất chính 1.235 tỷ đồng (gồm 402 tỷ của Nhà nước) lẽ ra phải sung công số này nhưng Phan Quốc Việt đã chi 106 tỷ đồng trong số đó để đưa hối lộ và chi khoảng 200 tỷ đồng tiền "hoa hồng, cảm ơn".
Do vậy, tòa chỉ buộc Phan Quốc Việt bồi thường 402 tỷ đồng là thiệt hại tại cơ quan nhà nước 19 tỉnh thành. Riêng tỉnh Bình Dương sẽ do Việt và bị cáo Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Công ty VNDAT phải liên đới bồi thường 29 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 38 bị cáo bị truy tố với 5 tội danh thì có đến 36 bị cáo được tòa tuyên mức án dưới khung hình phạt truy tố.