Dân Việt

Vì sao cựu Giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự nhưng không được bồi thường?

Đình Việt 13/01/2024 20:30 GMT+7
Chuyên gia đã nêu rõ căn cứ pháp lý việc việc cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh được HĐXX tuyên miễn trách nhiệm hình sự trong vụ Việt Á.

Cựu Giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự

Ngày 12/1, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm với 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và một số bộ, ngành, địa phương liên quan. Trong số đó, bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương được tòa miễn trách nhiệm hình sự, giống đề nghị của viện kiểm sát.

Vì sao cựu Giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự nhưng không được bồi thường?- Ảnh 1.

Cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á. Ảnh: TL

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện của HĐXX cho hay, việc miễn trách nhiệm hình sự với ông Danh "không phải ông ấy bị oan". HĐXX tuyên nội dung này là thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

"Người có thực hiện hành vi vi phạm nhưng do chuyển biến tình hình, thay đổi tình thế hoặc do khoan hồng của Đảng, Nhà nước, pháp luật nên miễn trách nhiệm về hình sự cho người ta nhưng không phải oan", vị đại diện khẳng định.

Theo HĐXX, do cựu Giám đốc CDC Bình Dương thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự nên sẽ không có việc xin lỗi, bồi thường như với người bị oan.

Nhận xét về bị cáo Nguyễn Thành Danh, HĐXX cho hay ông này có vi phạm do tình thế cấp bách và hoàn toàn không có yếu tố vụ lợi.

"Thứ nhất, ông ấy phát biểu trước nhân viên là tôi làm việc này, tôi có thể bị đi tù nhưng ông ấy vì tình hình dịch bệnh nên vẫn làm. Thứ 2, ông Danh đã cảnh báo nhân viên dưới quyền là không được có liên hệ, nhận quà gì từ Công ty Việt Á", đại diện HĐXX nói.

Ngoài ra: "Phía Việt Á đã nhiều lần tiếp xúc, đưa tiền nhưng ông Danh từ chối, không nhận. Thậm chí, người của Việt Á còn mời ông ấy đi uống bia thôi, nhưng ông ấy vẫn từ chối".

Bản chất của miễn trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giam, tạm giữ của bị cáo sẽ được bù trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, thời hạn cải tạo không giam giữ.

Tuy nhiên, đối với trường hợp bị can, bị cáo được tòa án miễn trách nhiệm hình sự hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn tạm giam này sẽ không được tính toán để bù trừ, bồi thường.

Nếu tòa án tuyên bị cáo không có tội, thời hạn tạm giam mới là căn cứ để tính toán về mức bồi thường thiệt hại do bị giam oan sai.

Bản chất của miễn trách nhiệm hình sự là bị cáo có vi phạm pháp luật, hành vi cấu thành tội phạm nhưng do chính sách khoan hồng, do nguyên tắc phân hóa phân loại nên được miễn chứ không phải là không có tội.

Bởi vậy quá trình điều tra, truy tố, xét xử, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế là không sai và không được đền bù.

Trong vụ án này, HĐXX nhận định việc khởi tố, tạm giam ông Danh là có căn cứ. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự trên cơ sở chính sách khoan hồng đặc biệt, do chuyển biến tình hình, chính sách hình sự có thay đổi nên thời hạn tạm giam sẽ không được bù trừ, bồi thường, đền bù như những trường hợp bị cáo bị oan sai.

Chỉ đáng tiếc là trong vụ án này có một số người được xem xét miễn trách nhiệm hình sự trước đó, còn ông Danh thì bị điều tra, truy tố, xét xử, bị tạm giam một thời gian dài, đến nay mới được cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự.

Theo ông Cường, việc quyết định bị cáo có tội hay không, tội gì, hình phạt ra sao và kể cả trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cũng thuộc thẩm quyền của HĐXX khi xét xử vụ án hình sự. Bởi vậy việc xét xử đối với bị cáo này như vậy là phù hợp và thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật.

Những trường hợp một số cá nhân được miễn trách nhiệm hình sự ngay từ giai đoạn điều tra là do các tình tiết chứng cứ về những người này đã rõ ràng, quan điểm của cơ quan tố tụng là nhất quán. Còn đối với một số bị cáo, có thể còn liên quan đến bị cáo khác, nhiều tình tiết cần phải điều tra xác minh làm rõ và đặc biệt là phải tranh luận tại phiên tòa.

Vì thế, căn cứ vào kết quả kiểm tra đánh giá chứng cứ, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, viện kiểm sát đã thay đổi quan điểm và tòa án đã chấp nhận miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo là thể hiện tính độc lập trong hoạt động xét xử, thể hiện nguyên tắc tranh tụng được vận dụng triệt để theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo nguyên tắc này, mọi chứng cứ dùng để buộc tội, gỡ tội đều phải được kiểm tra đánh giá công khai tại phiên tòa. Kết quả giải quyết vụ án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Vị chuyên gia cho rằng, đây là sự văn minh, tiến bộ trong tố tụng hình sự ở Việt Nam, đảm bảo cho pháp luật được áp dụng đúng đắn, chính xác, thể hiện hài hòa giữa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị, để tòa án có những bản án thấu tình, đạt lý, có ý nghĩa giáo dục cao đối với xã hội.