Liên quan đến vụ chồng dùng kiếm đâm chết vợ, Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt giữ được nghi phạm Đặng Quang Sơn, 38 tuổi, trú thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, để điều tra về hành vi giết người.
Theo đó, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự và Công an thị xã Mỹ Hào đã tiến hành bắt giữ Sơn khi y đang lẩn trốn trên địa bàn phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trước đó, tối 11/1, Đặng Quang Sơn và vợ là chị L.T.M (SN 1987, cùng trú tại Phố Nối, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào) xảy ra mâu thuẫn tại căn hộ thuộc chung cư Lạc Hồng Phúc, trên địa bàn phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào).
Trong quá trình xảy ra mâu thuẫn, Sơn đã dùng thanh kiếm dài hơn 1m đâm trúng ngực vợ khiến người phụ nữ này bị thương nặng.
Nạn nhân được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Phố Nối rồi chuyển lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong. Còn Đặng Quang Sơn sau đó đã bỏ trốn.
Tiếp nhận thông tin vụ việc, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thị xã Mỹ Hào phối hợp với các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, huy động lực lượng điều tra, truy bắt đối tượng gây án.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với kết quả xác minh ban đầu, qua các dấu vết để lại trên hiện trường và dữ liệu từ camera an ninh, có đủ căn cứ để khởi tố Đặng Quang Sơn về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Trong vụ án này, nạn nhân là vợ của nghi phạm và hung khí gây án là một cây kiếm dài hơn 1m, rất sắc nhọn. Theo quy định, thanh kiếm dài như trên được xem là vũ khí thô sơ, được quản lý theo Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc hung khí và mục đích sử dụng khung khí để làm căn cứ giải quyết vụ án, đồng thời để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng nếu dùng hung khí nguy hiểm (kiếm dài và sắc nhọn), đâm vào vùng trọng yếu (vùng ngực) của nạn nhân là phụ nữ, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Nghi phạm nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, đây là hành vi giết người, tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác nên hành vi này bị xử lý về tội giết người là có căn cứ.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và đặc biệt là sẽ làm rõ nhận thức của nghi phạm tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại nạn nhân.
Vị chuyên gia cho rằng, trường hợp kết quả điều tra cho thấy nghi phạm hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là có thể nguy hiểm nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, đây là hành vi giết người.
Trường hợp nghi phạm sát hại nạn nhân do bực tức hoặc do say rượu bia, sử dụng trái phép chất kích thích dẫn đến mất khả năng nhận thức và thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân thì nghi phạm vẫn xử lý về tội Giết người theo quy định tại Điều 13 và Điều 123 Bộ luật hình sự.
Bởi, theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc các chất cấm dẫn đến mất khả năng nhận thức khi thực hiện hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, nếu bị chứng minh có tội và bị xử lý về tội giết người, người chồng có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội danh.