Trong bài chia sẻ tại "Ngày hội khoa học công nghệ 2024", diễn ra ngày 14/1 tại Hà Nam, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, người từng có nhiều phát ngôn nổi tiếng trên mạng xã hội, cho rằng: "Thế hệ không khiếp sợ trí tuệ nhân tạo sẽ làm chủ thế giới".
Chuyên gia này dự đoán xu hướng nghề nghiệp trong năm 2030 bao gồm các ngành như: Khoa học máy tính, marketing (tiếp thị), AI (trí tuệ nhân tạo), big data (dữ liệu lớn) và sản xuất nội dung.
Đồng thời, ông đưa ra cảnh báo về 6 ngành nghề sẽ biến mất trong 5 năm tới gồm: Giáo viên; chăm sóc khách hàng, bác sĩ, dược sĩ; kiểm toán, kế toán; bảo vệ, cảnh sát; chuyên gia.
Trong khuôn khổ ngày hội, hàng nghìn học sinh các cấp học Hà Nam được khám phá công nghệ tại 35 khu trải nghiệm như xe phản lực, chế tạo nến thơm, thực hành thí nghiệm ''núi lửa phun trào'', trải nghiệm lập trình, vẽ tranh sáng tạo, bắn tên lửa nước, trải nghiệm với robot…
Thông qua các trải nghiệm phù hợp với từng lứa tuổi, học sinh vừa chơi, vừa học và hiểu hơn về các hiện tượng, công thức vật lý, hóa học, toán học, địa lý, tiếng Anh…
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nam cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa để giáo viên và học sinh khi được giao lưu, trải nghiệm và tiếp cận với các xu hướng công nghệ mới.
Mở đầu bài nói chuyện tại ngày hội công nghệ này, ông Hoàng Nam Tiến đưa ra hình ảnh người đàn ông mỗi ngày đều "tự đục chính bản thân mình từ một tảng đá, cho đến khi trở thành bức tượng đẹp nhất".
Chuyên gia này cho rằng, đó cũng chính là hình ảnh của sinh viên và giảng viên, giáo viên hiện nay. Nếu không tự "đục đẽo" bản thân, học tập hết suốt đời để trở thành phiên bản tốt nhất mỗi ngày, họ sẽ sớm trở thành những người bình thường và rất có thể trở thành người tầm thường, không được xã hội trọng dụng trong tương lai.
Cũng theo ông Tiến, khoảng 2,7 triệu công nhân Việt Nam tại các khu công nghiệp đang rơi vào nguy cơ mất việc bởi sự thay thế của robot, độ tuổi thất nghiệp sẽ vô cùng trẻ, thậm chí dưới 25.
Nhiều khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang đã sử dụng robot để thay thế con người. Một trong những nhà máy hiện đại nhất Việt Nam về sản xuất ô tô đang sử dụng hơn 1.000 robot để lắp ráp, tỷ lệ robot tại đây cao hơn cả công nhân.
Do vậy, để có thể đảm đương các công việc mới, khoảng 2,7 triệu công nhân này sẽ phải đào tạo lại từ đầu trong vòng 5-7 năm tới.
"Đây là thực tế đang diễn ra ở đất nước ta không phải ở đâu xa xôi trên thế giới. Trí tuệ nhân tạo, điển hình là ChatGPT đang dần thay thế con người.
Cụ thể, khoảng 40% nhân viên văn phòng, hành chính nhân sự sẽ mất việc trong tương lai rất gần.
Thậm chí, 85% người làm kế toán có thể rơi vào nguy cơ mất việc trong tương lai, những chị kế toán có hơn 20 năm kinh nghiệm, làm việc cần cù, chăm chỉ, cẩn thận cũng sẽ mất việc.
Những người làm văn phòng, hành chính nhân sự cũng sẽ mất việc bởi hầu hết các tỉnh thành đang dần chuyển đổi số, không dùng đến giấy tờ.
Ngay cả nghề lập trình viên, có khoảng 40% các dòng lệnh phần mềm máy tính đang được trí tuệ nhân tạo điều chỉnh, không cần dùng đến con người.
Việc trở thành phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày là điều vô cùng cần thiết, giúp đảm bảo sự tồn tại lâu dài", ông Hoàng Nam Tiến nói.
Với câu hỏi nghề nào sẽ giảm sút nhanh nhất trong tương lai? Ông Tiến cho rằng, ngành nghề sớm biến mất là kế toán, tiếp theo là giáo viên.
Trong vòng khoảng 7 năm nữa, giáo viên sẽ chịu áp lực rất lớn vì bị trí tuệ nhân tạo và người máy thay thế. Do vậy, theo chuyên gia này, việc thực học mới là nền tảng của thành công.
"Đây chính là điều chúng tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân. Đặc biệt, trong nền giáo dục hiện nay, điều này rất quan trọng", ông Hoàng Nam Tiến nói.