Thời nhà Minh, do Minh Thần Tông còn nhỏ tuổi, Lý thái hậu nhiếp chính. Đại thần Cao Củng do đối kháng với hoạn quan Phùng Bảo vốn được Thái hậu tín nhiệm nên bị bãi quan, còn tể tướng Trương Cư Chính được Phùng Bảo hết sức ủng hộ. Trương Cư Chính phụ chính mười năm, thi hành cải cách, trên phương diện nội chính đề xuất "tôn chủ quyền, khóa lại chức, hành thưởng phạt, nhất hiệu lệnh", thi hành "khảo thành pháp", cắt giảm triệt tiêu quan viên dư thừa trong cơ cấu chính phủ, chỉnh đốn việc truyền tin và tuyển chọn quan lại.
Trên phương diện kinh tế, tiến hành đo đạc cụ thể ruộng đất toàn quốc, ức chế hào cường địa chủ, cải cách chế độ phú dịch, thi hành "nhất điều tiên pháp", giảm nhẹ gánh nặng của nông dân. Năm 1393, vào thời kỳ Minh Thái Tổ, đất ruộng canh tác trên toàn quốc có 3.660.007 khoảnh, đến năm 1502 thời kỳ Minh Hiếu Tông chỉ tăng lên 4.228.058 khoảnh. Trải qua Trương Cư Chính trị lý, đến năm 1581 đạt đến 7.003.976 khoảnh.
Trên phương diện quân sự, tăng cường chỉnh đốn vũ bị, bình định rối loạn tại tây nam, cho danh tướng Thích Kế Quang bảo vệ Kế Châu - trọng trấn cho Bắc Kinh, cho Lý Thành Lương an phủ các bộ lạc Nữ Chân, cho Vương Sùng Cổ, Phương Phùng Thì an phủ Thát Đát, các trọng thần khác như Lưu Hiển tại Tứ Xuyên, Ân Chính Mậu và Lang Vân Dực tại Lưỡng Quảng, Trương Giai Dận tại Chiết Giang, Trương Cư Chính rất tín nhiệm bọn họ. Trương Cư Chính còn cho Phan Quý Tuần trị lý Hoàng Hà, biến thủy hoạn thành thủy lợi. Đồng thời, Trương Cư Chính trừng trị nghiêm khắc tham quan ô lại, cắt bỏ người vô dụng. Trương Cư Chính chỉnh đốn triều chính, cải cách thể chế, sử xưng Vạn Lịch trung hưng.
Năm 1577, cha của Trương Cư Chính từ trần, theo lệ thường ông phải giải chức hồi hương chịu tang trong ba năm, tức "đinh ưu", song vì sự nghiệp cải cách chưa thành nên không muốn thực hiện. Địch thủ chính trị của ông nhân đó mà làm lớn chuyện, đó là "Đoạt Tình chi tranh". Cuối cùng, được Minh Thần Tông và hai vị thái hậu ủng hộ, Trương Cư Chính được miễn chịu tang tại gia, tức Đoạt tình khởi phục, do đó cải cách của ông không bị gián đoạn. Tuy nhiên, điều này trở thành một cớ để địch thủ chính trị của ông lợi dụng. Đồng thời, Trương Cư Chính lợi dụng chức quyền của bản thân để tạo thuận lợi cho con mình vượt qua khoa cử tiến vào Hàn lâm viện. Sau khi Trương Cư Chính từ trần, các địch thủ chính trị phản đối cải cách lập tức thanh toán. Một số người trong Trương phủ không kịp trốn bị giam bên trong, hơn chục người chết đói. Quan tước của Trương Cư Chính khi còn sống cũng bị tước.
Thời gian đầu sau khi Trương Cư Chính từ trần, Minh Thần Tông vẫn có thể duy trì hứng thú với triều chính, song cùng với việc triều dã thanh toán thế lực của Trương Cư Chính, Minh Thần Tông bắt đầu ít thượng triều. Sau Quốc bản chi tranh, ông thậm chí còn có thái độ đãi chính tiêu cực. Trong thời gian Minh Thần Tông tại vị, về đối nội có các sự kiện nghiêm trọng như Đông Lâm đảng tranh, Quốc bản chi tranh và Vạn Lịch đãi chính; đối ngoại có các chiến dịch lớn như Vạn Lịch tam đại chinh và Hậu Kim quật khởi.
Triều đại Vạn Lịch là thời kỳ chuyển đổi từ thịnh sang suy của triều Minh. Quốc bản chi tranh là một sự kiện chính trị trọng đại kéo dài suốt từ trung kỳ đến vãn kỳ thời gian Minh Thần Tông trị vì, chủ yếu là xung quanh tranh chấp kế thừa hoàng vị giữa Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc và Phúc vương Chu Thường Tuân (con của Trịnh quý phi). Do Vương hoàng hậu không có con trai, Minh Thần Tông đặc biệt yêu mến hoàng tử thứ ba là Chu Thường Tuân, không muốn lập hoàng tử thứ nhất là Chu Thường Lạc làm thái tử, quan viên trong triều do đó phân thành hai phái khác biệt. Đến năm 1601, dưới áp lực của Hoàng thái hậu, Chu Thường Lạc mới được phong làm thái tử, còn Chu Thường Tuân được phong làm Phúc vương. Tuy nhiên, Phúc vương chậm rời kinh thành đi nhậm chức vị phiên vương. Đến khi phát sinh "Đĩnh kích án", dư luận bất lợi với Trịnh quý phi, Phúc vương mới rời kinh tới phiên, địa vị thái tử của Chu Thường Lạc nhờ vậy mà được vững chắc.
Do tranh chấp lập thái tử, Minh Thần Tông bất mãn cực độ đối với đại thần, năm 1587 bắt đầu lấy việc không thượng triều để trả đũa, chỉ xử lý một số sự kiện trọng yếu. Minh Thần Tông không thị triều vào ngày đầu năm, sáng sớm không thị triều, cả ngày đắm chìm trong tửu sắc, mỗi năm lại tiến hành tuyển mỹ nữ, thường thích xây cất, hay cho xây công trình quy mô lớn. Đại lý tự tả bình sự dâng sớ, nói Minh Thần Tông đắm chìm trong tửu, sắc, tài, khí, kết quả bị giáng làm dân.
Trung hậu kỳ thời Minh Thần Tông, tình hình tài chính nguy nan, do đó Minh Thần Tông phái thái giám làm khoáng giám và thuế giám trên toàn quốc để tăng thêm ngân khố. Tuy nhiên, khoáng giám và thuế giám đại đa số lấy danh nghĩa để vơ vét tài sản dân gian, nhiễu loạn quốc gia. Do Minh Thần Tông không quản lý triều chính, hiện tượng khuyết quan viên rất nghiêm trọng. Năm 1602, Nam-Bắc lưỡng kinh tổng cộng khuyết ba thượng thư, mười thị lang, các địa phương khuyết ba tuần phủ, 66 bố chính sứ hay án sát sứ, 25 tri phủ. Bên trên Minh Thần Tông chán trường, bên dưới triều thần tranh chấp, triều đình Minh hoàn toàn bước vào trong tình trạng không hoạt động. Do vậy, Minh sử viết rằng có nhà bình luận nói triều Minh thực tế mất từ thời Thần Tông, bộ phận sử gia nhận định triều Minh từ đây bắt đầu hướng đến diệt vong.
Do triều chính hỗn loạn, một bộ phận quan lại cấp trung và thấp chịu bài xích về chính trị, liên tiếp yêu cầu cải cách chính trị, đồng thời nhấn mạnh tiêu chuẩn đạo đức. Năm 1593, Đông Lâm đảng hình thành, danh xưng bắt nguồn từ Đông Lâm thư viện do Cố Hiến Thành sáng lập. Chủ trì kinh sát là Tôn Lung, Lý Thế Đạt và Triệu Nam Tinh, lợi dụng kinh sát để giáng chức bãi quan các quan lại không hợp với tiêu chuẩn của họ và không thuộc Đông Lâm đảng. Trải qua nhiều lần kinh sát, nhiều đảng phản đối như Tuyên đảng, Côn đảng, Tề đảng, Chiết đảng đứng lên và xung đột với Đông Lâm đảng. Từ đó, họa bè phái không dẹp nổi, triều chính đình đốn nội loạn. Sang thời Minh Hy Tông, phái hoạn quan chuyên quyền, Đông Lâm đảng chịu đả kích nghiêm trọng, đến đầu thời Minh Tư Tông mới lại được sử dụng.
Trên phương diện quân sự đối ngoại, Vạn Lịch tam đại chinh là nổi danh nhất, đó là Ninh Hạ chi dịch nhằm bình định Bột Bái người Mông Cổ làm phản, Triều Tiên chi dịch nhằm kháng kích chính quyền Toyotomi Nhật Bản xâm nhập vương triều Triều Tiên, Bá Châu chi dịch nhằm binh định Thổ ty Dương Ứng Long làm phản, ba cuộc chiến trường kỳ này gần như đồng thời phát sinh, song tính chất không tương đồng. Triều Minh giành thắng lợi trong ba đại chiến này giúp củng cố biên cương, bảo hộ vương triều Triều Tiên, song làm tiêu hao lượng lớn nhân lực vật lực, là một trong các nguyên nhân trọng yếu khiến quốc khố trống rỗng, tài chính nguy khốn. Năm 1617, thủ lĩnh Hậu Kim là Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy thất đại hận làm cớ tiến hành phản Minh, hai năm sau đại thắng quân Minh trong trận Tát Nhĩ Hử, triều Minh đến lúc này chọn sách lược phòng ngự làm chủ yếu để ứng phó với Hậu Kim.
Năm 1620, Minh Thần Tông từ trần. Thái tử Chu Thường Lạc đăng cơ, tức Minh Quang Tông, niên hiệu Thái Xương, tại vị chỉ được một tháng. Ông ban thưởng cho quân Minh tại tiền tuyến Liêu Đông, trọng dụng người thuộc Đông Lâm đảng khiến triều chính chuyển nguy thành an, đồng thời ông bãi trừ khoáng giám thuế sứ[44]. Sinh mẫu của Phúc vương là Trịnh quý phi nhằm lung lạc Minh Quang Tông nên tiến hiến tám vị mỹ nữ. Minh Quang Tông ham mê quá độ nên không lâu thì đổ bệnh, Thái giám Thôi Văn Thăng dâng thuốc xổ khiến ông đi ngoài quá độ, lại do sử dụng "hồng hoàn" của Lý Khả Chước mà đột tử, sử xưng "Hồng hoàn án". Sau khi Minh Quang Tông từ trần, sủng phi của ông là Lý Tuyền Thị muốn ở lại Càn Thanh cung, nhằm đề phòng bà can dự triều chính nên triều thần buộc bà đến Uyết Loan cung thuộc Nhân Thọ điện[45], tức Di cung án. Hoàng trưởng tử Chu Do Hiệu cuối cùng kế vị, tức Minh Hi Tông, niên hiệu Thiên Khải. "Đĩnh kích án", "Hồng hoàn án" và "Di cung án" gọi chung là "Minh mạt tam đại án", là kế tục của Quốc bản chi tranh, khiến đấu tranh chính trị trong triều đình Minh càng thêm kịch liệt, cũng đánh dấu bắt đầu thời kỳ.