Thời phong kiến ở Trung Quốc, có hàng trăm vị hoàng đế lên ngôi nắm giữ triều chính. Có những vị vua rất tài giỏi, lèo lái kinh tế đất nước trở thành quốc gia hùng mạnh nhưng cũng có những bậc đế vương sống phóng túng, không quan tâm đến việc quốc sự. Tuy nhiên, có một vị vua đặc biệt của Trung Quốc từng cho rằng ai muốn làm quan, điều đầu tiên là phải trở thành một thái giám. Đây được cho là triều đại kỳ quái nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc khi hoàng đế chỉ tin vào hoạn quan.
Theo Sohu.com, vị vua này chính là Lưu Sưởng - hoàng đế cuối cùng của Nam Hán thời Ngũ Đại Thập Quốc. Vương quốc này tồn tại từ năm 917 đến năm 971.Lưu Sưởng là con trưởng của Nam Hán Trung Tông Lưu Thịnh. Ông còn có tên khác là Lưu Kế Hưng. Khi lên kế vị ở tuổi 16, ông đổi tên thành Lưu Sưởng. Trong lịch sử, Lưu Sưởng được cho là vị vua nhu nhược, không có chí.
Theo đó, dưới thời vua Lưu Sưởng, ông đưa ra một quy định đặc biệt đó là, bất cứ ai được vào làm quan điều trước tiên là phải tự hoạn. Nếu không họ chỉ được làm những chức quan nhỏ bình thường và không được ở trong cung, còn các quan lại đại thần nghiễm nhiên được giao cho các hoạn quan.
Cuốn "Tân Ngũ Đại Sử" có viết: "Hoàng đế thật khờ khạo khi cho rằng tất cả các quan lại khi có gia đình riêng sẽ chăm lo cho người thân của họ, không trung thành với hoàng đế, ngược lại, hoạn quan lại có thể tin cậy. Chính vì vậy, hoàng đế đã giao việc triều chính cho các hoạn quan như Cung Trừng Xu, Trần Diên Thọ... Những người này nghiễm nhiên trở thành quan đại thần được hoàng đế tin tưởng. Còn đối với các đại thần đặt ra chức vụ chỉ để làm cho có chứ không được trọng dụng".
Hoàng đế ưa dùng hoạn quan tới mức lập ra nhiều nhà tằm (tức phòng thiến), có tới hàng trăm thợ thiến. Những người muốn làm quan cũng sẵn sàng tự hoạn, ngay cả phạm nhân cũng chấp nhận đi hoạn để được vào cung làm quan. Không những thế, các trạng khuyên, người thi đô đạt khoa cử hay các nhà sư, muốn được ngồi bàn việc cùng vua cũng phải tự nguyện hoạn thì mới được vua tin dùng. Theo thống kê, dưới thời vua Lưu Sưởng có tới vài ngàn hoạn quan.
Bản thân Lưu Nguyên cũng là một vị hoàng đế phóng túng, phóng đãng, coi thường việc triều chính, vì vậy, ông giao mọi việc quốc sự cho các thái giám thân tín nhất của mình như Lê Quỳnh Tiên, Cung Trừng Xu, Trần Diên Thọ, Lý Thác, Hứa Nhan Chân... Trong khi bản thân ông lại tận hưởng vinh hoa phú quý trong hoàng cung, thậm chí còn nghe lời vu khống, giết chết em trai mình.
Lưu Sưởng là người đam mê sắc dục, biết tính vua, hoạn quan Lý Nhan Chân tìm một cô gái Ba Tư có vóc dáng mũm mĩm vào cung để mua vui cho hoàng đế. Không chỉ có hoạn quan, tẩm cung của Lưu Sưởng còn có hàng trăm cung nữ để mua vui cho vua. Các cung nữ được vua yêu quý đều có chức tước và áo mũ như quan lại, thậm chí có người có danh hiệu thái sư, thái phó. Để tăng sự hưởng lạc, Lưu Sưởng sai xây điện Vạn Chính rất xa hoa tốn kém.
Năm 970 sau Công nguyên, nhà Tống sai ngự sử trấn Đàm Châu là Phan Mỹ đi tấn công Nam Hán. Vào thời điểm đó, Nam Hán dưới quyền của Lưu Sưởng nhiều người tài tướng giỏi đã bị chết hoặc bãi chức vì gièm pha, nắm việc binh nhiều người là hoạn quan. Nghe tin quân Tống tiến đánh, quân lính chán nản vừa không có cơm ăn áo mặc, vừa không có tiền thưởng động viên nên không còn ý chí chiến đấu. Thấy thành Đàm Châu có nguy cơ thất thủ, đám hoạn quan nhân lúc nửa đêm chạy trốn bỏ lại Lưu Sưởng một mình. Cuối cùng, Lưu Sưởng đốt hết cung điện định chạy trốn bằng thuyền nhưng lại bị đám hoạn quân lấy trộm. Thất thế, Lưu Sưởng xin đầu hàng nhà Tống, Nam Hán chính thức bị diệt vong.
Tháng 4/971, Lưu Sưởng bị giải về Biện Kinh giam ở vườn Ngọc Tân. Để cứu mạng mình, Lưu Sưởng còn dâng lên vua Tống những viên châu ngọc đẹp nhất kết thành con rồng tinh xảo như thật. Nhờ đó mà giữ được mạng. Năm 980 đời Tống Thái Tông, Lưu Sưởng vì tửu sắc quá độ nên mang bệnh nứt nẻ khắp thân mình, qua đời ở tuổi 38.