Mức lương hấp dẫn
Ngành công nghệ chip bán dẫn đang là xu hướng đào tạo từ năm 2024 khi hàng loạt trường đại học mở ngành riêng liên quan về thiết kế vi mạch, vi điện tử - thiết kế vi mạch, công nghệ vi mạch bán dẫn... để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Bức tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn được một số chuyên gia kinh tế dự báo trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện chỉ khoảng 5.000 người.
Bên cạnh sức nóng về nhu cầu nhân lực, mức lương hấp dẫn cũng là yếu tố để nhiều thí sinh cân nhắc chọn ngành học.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM (UIT), cho biết theo khảo sát của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, các kỹ sư có 10-15 năm kinh nghiệm có thể được doanh nghiệp đãi ngộ với mức lương tầm 1-1,5 tỷ đồng/năm.
Đối với kỹ sư vừa tốt nghiệp, mức lương khởi điểm là 15-20 triệu đồng/tháng. Cũng theo khảo sát này, doanh nghiệp phải mất tầm 6 tháng mới có thể tìm kiếm được những kỹ sư có 6-15 năm kinh nghiệm.
Ông Khang thông tin thêm, theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, hiện nay Việt Nam mới chỉ cung cấp khoảng 20% nhu cầu nhân lực.
Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng nhân lực về thiết kế vi mạch cần thêm 12.000-15.000 người.
Chính vì mức lương cao, do đó, các trường đại học sẽ phải đối mặt với việc thu hút nhân lực về giảng dạy. Đại diện Bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết tuyển dụng giảng viên sẽ là thách thức khi mức lương của các chuyên gia trong ngành có 15-20 năm kinh nghiệm khoảng 1,3-1,5 tỷ đồng/năm. Với mức lương này, các trường đại học Việt Nam hiện nay hoàn toàn chưa thể thu hút được.
Ngành học được trọng tâm phát triển
Lâu nay, thiết kế vi mạch là một chuyên ngành đào tạo của nhiều trường, dự kiến năm 2024 sẽ phát triển thành ngành riêng biệt. Cả nước hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo nhân lực cho một số công đoạn của công nghệ vi mạch.
Trong đó, các trường đại học đào tạo ngành gần với ngành này như: Điện tử viễn thông, kỹ thuật điện, điều khiển tự động hóa, kỹ thuật máy tính…
Đã có kinh nghiệm về đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch, đại diện Bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết đơn vị này xác định thiết kế vi mạch là một trong những hướng đào tạo chủ lực đối của bộ môn. Năm tới, thiết kế vi mạch dự kiến sẽ là ngành học riêng, thay vì là chuyên ngành như trước kia.
Cụ thể, ngành công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông với nền tảng kiến thức về kỹ thuật điện tử và viễn thông sẽ được phát triển theo định hướng thiết kế vi mạch tương tự và ngành công nghệ kỹ thuật máy tính với nền tảng về điện tử và vi xử lý phát triển theo định hướng thiết kế vi mạch số.
Trên cơ sở đó, chương trình đào tạo được cập nhật và bổ sung các khối kiến thức ngành và chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Theo thống kê của Synopsys, nguồn nhân lực được đào tạo tại Bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch trong và ngoài nước nằm trong top 3 trên cả nước.
Gần như mỗi tuần đều có công ty đến khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, tìm kiếm nhân sự ngành thiết kế vi mạch. Để có nhân lực tốt, nhiều doanh nghiệp tiếp cận với sinh viên ngay từ năm thứ hai, ba thông qua những suất thực tập, công việc bán thời gian, học bổng.
Theo thống kê sơ bộ, trong số gần 50 trường đại học đã thông tin về phương án tuyển sinh 2024, có hơn 10 trường mở các ngành liên quan thiết kế vi mạch.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cho biết thiết kế vi mạch là một ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry) để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên thế giới.
Các sản phẩm vi mạch do những kỹ sư tốt nghiệp ngành thiết kế vi mạch thực hiện là thiết bị lõi tích hợp trong các sản phẩm công nghệ như: Điện thoại thông minh, máy tính, thiết bị giải trí trong gia đình, thiết bị gia dụng, thiết bị giải trí trong xe hơi, thiết bị điều khiển trong xe điện, thiết bị chuẩn đoán bệnh trong y khoa, thiết bị chăm sóc sức khỏe…
Sản phẩm vi mạch cũng có thể tích hợp trong các hệ thống tính toán hiệu năng cao (high performance computing - HPC), hệ thống tính toán trên cloud (cloud computing), hệ thống phân tích dữ liệu thông minh (AI data center).
Chương trình đào tạo ngành thiết kế vi mạch của Trường Đại học Công nghệ thông tin sẽ giảng dạy trong 4 năm với 8 học kỳ.
Chương trình có tham khảo đến các trường nổi tiếng thế giới tại các quốc gia phát triển mạnh trong ngành này như: Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Bang Arizona, Đại học Portland (Mỹ)... nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp có thể tiếp cận làm việc hoặc học tập sau đại học tại các quốc gia này.
Bên cạnh đó, sinh viên học chương trình này có thể liên thông học bậc thạc sĩ tại trường theo chương trình BS-MS hoặc theo chương trình thạc sĩ 2 năm.
"Để học tốt và phát triển trong ngành này, các bạn học sinh cần có kiến thức về toán và khoa học tự nhiên, đọc hiểu và trao đổi bằng ngoại ngữ tiếng Anh, có tư duy logic và đam mê công nghệ, thích tạo ra những sản phẩm công nghệ cao phục vụ cộng đồng", TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang chia sẻ.
Trung tâm Dự báo nhân lực TPHCM cho hay, nhân lực công nghiệp bán dẫn sẽ là 1 trong 4 nhóm ngành trọng điểm của thành phố vào năm 2030.