Liên quan đến vụ việc trưng bày "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) khẳng định Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải cam kết nếu tiếp tục để xảy ra những sai phạm tương tự, làm mất niềm tin của xã hội, ảnh hưởng uy tín Giáo hội thì sẽ bị tẩn xuất và tước quyền trụ trì.
Về ý nghĩa của từ "tẩn xuất", Từ điển Phật học online trên Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam giải thích "tẩn xuất" (hay tẫn xuất) có nghĩa là "trục xuất khỏi giáo đoàn". Nhiều người cũng thắc mắc, vậy trước đó từng có trường hợp nào bị tẩn xuất vĩnh viễn khỏi GHPGVN?
Trước đó, ngày 8/8/2016, thông tin từ GHPGVN tỉnh Quảng Trị, đã có quyết định kỷ luật và tẩn xuất vĩnh viễn đối với nhà sư V.T.N.T. (pháp danh Thích Nguyện Đạo) vì đã vi phạm giới luật. Quyết định trên do Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị ký.
Theo quyết định kỷ luật của Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị ngày 1/8/2016, sư Thích Nguyện Đạo đã bị tẩn xuất vĩnh viễn khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị vì vi phạm giới luật vì để phụ nữ ngủ qua đêm trong chùa. Quyết định trên cũng yêu cầu sư Thích Nguyện Đạo rời khỏi chùa An Mô và trả lại chùa cho Giáo hội.
Ngày 9/5/2019, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội đã có Quyết định về việc tẩn suất khỏi Giáo hội và bãi nhiệm, thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì đối với ông N.X.C. (pháp danh Thích Thái Hà) – Trụ trì chùa Khánh Hựu (Chùa Chổi), xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội vì đã vi phạm điều giới thứ nhất là giới Dâm – một trong bốn trọng giới của Tỷ khiêu do Đức Phật chế, mức độ nghiêm trọng mất giới thể.
Ngày 27/3/2023, thông tin từ Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng cho biết, vừa quyết định kỷ luật khai trừ tỳ kheo Thích Bản Tịnh, thế danh N.T.Đ. ra khỏi Tăng đoàn GHPGVN thành phố.
Nhà tu hành này bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy vào ngày 2/3. Ông Đ. bị kỷ luật, khai trừ do đã vi phạm giới luật Phật chế và pháp luật Nhà nước, làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Giáo hội.
Đồng thời, GHPGVN TP Hải Phòng cũng yêu cầu thu hồi pháp phục tu sĩ, chứng điệp thụ giới, chứng nhận tăng ni và các giấy tờ có liên quan đến tư cách tăng ni của ông N.T.Đ.
Mới đây nhất, ngày 3/12/2023, tại chùa Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Bình đã tổ chức Lễ công bố Quyết định kỷ luật tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra (chùa Đại Thọ).
Tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đến Giới luật, Giáo luật, Hiến chương Giáo hội và Pháp luật Nhà nước. Theo đó, tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra lợi dụng hình ảnh tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer đã lôi kéo, dẫn dụ một số đối tượng khác để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm chống phá Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo; chiếm dụng chùa trái phép bằng hình thức ép buộc Sư Thạch Xươl giao quyền Trụ trì chùa Đại Thọ trực tiếp, tiếp nhận các đối tượng vào sinh hoạt trong chùa trái phép và tự ý xây dựng ngôi giảng đường trái phép để tổ chức các hoạt động bất hợp pháp.
Các hoạt động đã diễn biến một thời gian dài và sau nhiều lần vận động, tuyên truyền nhưng tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra vẫn không hợp tác và tiếp tục có những hoạt động nhằm gây kích động dư luận, chia rẽ dân tộc.
Từ tình hình diễn biến phức tạp trên, Hội đồng Trị sự, Văn phòng 2 TƯ, Ban Trị sự và các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức các buổi họp để thảo luận và thống nhất biện pháp giải quyết theo tinh thần Hiến chương, Giới luật và Pháp luật.
Để duy trì sự ổn định và uy tín của Giáo hội, căn cứ các sai phạm của tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra, Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Nam Tông Khmer và tất cả các tự viện Phật giáo Nam Tông Khmer, Ban Trị sự tỉnh và thảo luận lấy ý kiến thống nhất thành lập Hội đồng Yết ma gồm 20 vị là chư tôn đức giáo phẩm và chư đại đức trụ trì các tự viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại tỉnh Vĩnh Long cử hành nghi thức Yết ma theo truyền thống hệ phái Nam tông để cử tội Tu sĩ Thạch Chanh Đa Ra theo Luật Phật vào ngày 24/11/2023 và kết luận của Hội đồng Yết ma là Tẩn xuất (khai trừ) khỏi Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam .
Theo Thư viện Hoa Sen, người bị tẩn xuất không được truyền giới cho người khác, không được làm y chỉ sư (thầy hướng dẫn), không được nhận đồ đệ, không được nhận các vật phẩm cúng dường như y bát, ngọa cụ, tọa cụ, nước rửa chân…
Khái niệm này cũng được nhắc đến tại Điều 71 của Quy chế Ban tăng sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IX (2022-2027).
Cụ thể, Khoản 1 Điều 71 nêu rõ một hội đồng yết ma sẽ được thành lập để xét xử tăng ni vi phạm giới luật. Tăng ni phạm trọng giới sẽ bị tẩn xuất theo trình tự, thủ tục.
Quy chế cũng đưa ra 4 hình thức kỷ luật với tăng ni vi phạm làm tổn thương đến thanh danh, vi phạm Hiến chương và các quy định của Giáo hội.
Hình thức nhẹ nhất là phê bình, kiểm điểm trước ban trị sự huyện; thứ 2 là phê bình, kiểm điểm trước ban trị sự tỉnh; thứ 3 là cảnh cáo, thông tri đến toàn tỉnh về tăng ni phạm lỗi; hình thức thứ 4 (nặng nhất) là tẩn xuất, khai trừ khỏi Giáo hội.
Trước đó, từ ngày 23 đến 27/12/2023, chùa Ba Vàng tổ chức cho các phật tử và người dân chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa, truyền thông trên các trang mạng.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh giới thiệu đây là "xá lợi tóc Đức Phật từ 2.600 năm", bảo vật của chùa Parami. Tuy nhiên, Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Ninh kết luận Đại đức Thái Minh đã vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong việc đăng ký nội dung chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" và vi phạm về việc mời người nước ngoài tham gia sự kiện mà không thông báo.
"Sự kiện tổ chức chiêm bái và truyền thông về "xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng đã bị dư luận xã hội phê phán, tạo ra nhiều thông tin trái chiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của Phật giáo và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam", Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định.