Thai của chị Hương được 17 tuần tuổi thì bị cạn ối, phải nhập viện cấp cứu. Kết quả siêu âm cho thấy chị bị cạn ối mất tim thai, buộc phải phá thai.
Khi xuất viện, bác sĩ ghi trên giấy ra viện là "phá thai nội khoa, nghỉ 40 ngày" mà không ghi là thai lưu đồ mất tim thai.
Chị Hương thắc mắc: "Vậy tôi có được hưởng đầy đủ chế độ bảo hiểm hay không? Nếu được nghỉ 40 ngày như quy định thì tính từ ngày ra viện hay từ ngày nào?".
Trả lời chị Hương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Điều 33 Luật BHXH năm 2014 quy định, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền".
Theo BHXH Việt Nam, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong trường hợp trên được tính theo tuổi thai, cụ thể như sau.
Khoản 12 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế quy định: "Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật BHXH nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH".
Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông thư 18/2022/TT-BYT quy định về hướng dẫn ghi giấy ra viện. Theo đó, trường hợp đình chỉ thai nghén thì ghi rõ thời gian đình chỉ thai nghén vào thời điểm này, ngày nào…
Căn cứ các quy định nêu trên, BHXH Việt Nam cho biết: "Trường hợp của chị Hương phá thai 17 tuần thì được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tối đa 40 ngày kể từ ngày đình chỉ thai nghén ghi trên giấy ra viện".