Ngày 24/1, TAND tỉnh Thái Bình phạt Lưu Minh Hải, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình, án 3 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ".
Cùng tội danh, bị cáo Bùi Ngọc Diệp, cựu Phó giám đốc, bị phạt 3 năm tù và Tô Hồng Dương, đăng kiểm viên, lĩnh 2 năm 6 tháng tù.
Án sơ thẩm thể hiện, Công ty Đăng kiểm Thái Bình vận hành Trung tâm đăng kiểm Thái Bình 17-01D. Hải được phó giám đốc Diệp báo cáo về việc bộ phận nghiệm thu xe cải tạo thường liên hệ dẫn khách về công ty, và thỏa thuận thu tiền nhiều hơn quy định để bỏ qua trình tự, thủ tục hoặc làm nhanh giấy chứng nhận cải tạo phương tiện theo yêu cầu của chủ xe.
Các chủ xe này sẽ phải nộp tiền cao hơn quy định của nhà nước và số chênh lệch được góp vào làm quỹ để cuối năm "chia cho anh em trong công ty".
Với các xe cơ giới cải tạo đơn giản, để được "làm nhanh", Dương yêu cầu chủ xe với mỗi hồ sơ đăng kiểm phải nộp 1-1,6 triệu đồng để Diệp và Dương ký các biên bản nghiệm thu chất lượng mà không cần kiểm tra xe.
Còn các xe cơ giới cải tạo phức tạp, Diệp và Dương giúp các chủ xe mua sẵn bản vẽ, không phải làm các thủ tục lập và thẩm định hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công. Tùy trường hợp, mỗi chủ xe phải nộp 5 triệu đồng để có bản vẽ thiết kế, giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cải tạo... được đóng dấu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Từ 2020 - 2022, nhóm bị cáo đã thu chênh 344 triệu đồng để cấp giấy chứng nhận cho 286 xe. Số tiền này được cơ quan tố tụng xác định là nhận hối lộ.
Tại phần tranh tụng, bị cáo Hải cho rằng ông chỉ có trách nhiệm lo công việc chung của công ty, còn các khâu liên quan đến đăng kiểm, đều do cấp phó là bị cáo Diệp phụ trách.
Hải nghĩ rằng những khoản thu cao hơn là thuộc dịch vụ chăm sóc khách hàng nên đồng ý cho nhóm Diệp, Dương thu. "Bị cáo chỉ nghĩ là nếu mình không đồng ý thì khách sẽ đi công ty đăng kiểm khác, chủ yếu muốn chăm sóc khách hàng để giữ khách. Nếu biết thu thế là sai, tôi đã không cho làm", bị cáo khai.
Các luật sư bào chữa cho ông Hải nêu, dù bị cáo là giám đốc nhưng không phải "chủ mưu", không giữ vai trò cao nhất. Do bị cáo "không có chuyên môn về đăng kiểm" nên mới phân công Diệp phụ trách lĩnh này, còn bản thân phụ trách chỉ đạo chung.
Ngoài ra, theo luật sư, chính cáo trạng cũng nêu, việc "thu ngoài, thu khống" tiền cao gấp 3 quy định là "tiền lệ" đã có trước khi ông Hải làm giám đốc. Ông còn được Diệp truyền đạt lại điều này khi nhận chức nên Hải không phải là người chủ mưu, cầm đầu như kiểm sát viên quy kết.
Hành vi của bị cáo Hải nếu có phạm tội, sẽ thuộc trường hợp "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", không phải "Nhận hối lộ", luật sư nêu quan điểm.
Đối đáp lại, kiểm sát viên cho rằng ông Hải đã được cấp phó đã báo cáo nhưng không ngăn chặn mà còn đồng ý và "Hải không duyệt thì Diệp và Dương cũng không được tự ý làm, do đó Hải bị quy kết vai trò chủ mưu là chính xác".
Qua xét xử, tòa án cho rằng căn cứ thay đổi tội danh với bị cáo Lưu Minh Hải, như các luật sư nêu là chưa đủ chấp nhận nên quyết định giữ nguyên tội danh. Tuy vậy, Hội đồng xét xử và viện kiểm sát ghi nhận việc luật sư đưa chứng cứ mới thể hiện bị cáo Hải có thân nhân là liệt sĩ.
Tòa đánh giá các bị cáo đều nhận thức được sai phạm và sự nguy hiểm của việc cấp khống giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho xe không đủ điều kiện sẽ gây nguy hiểm, hệ lụy cho bản thân người điều khiển và toàn xã hội nhưng vẫn thực hiện vì động cơ vụ lợi.