Vì sao lại căn cứ nhiệt độ lúc 6h để cho học sinh nghỉ học?
Vào lúc 6h sáng ngày 25/1, nhiệt độ ngoài trời tại Hà Nội ở mức 9,9⁰C. Như vậy, đây là ngày thứ ba liên tiếp, học sinh mầm non và tiểu học Thủ đô tiếp tục nghỉ học .
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị, trường học trực thuộc về việc triển khai công tác phòng, chống rét và dịch bệnh mùa đông - xuân cho học sinh.
Theo đó, các trường học căn cứ thông tin dự báo thời tiết vào 6h sáng hàng ngày trên bản tin "Hà Nội buổi sáng" trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hoặc "Chào buổi sáng" trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam để chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học.
Học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10⁰C; học sinh trung học cơ sở nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7⁰C.
Ghi nhận thực tế trong ba ngày qua, sau bản tin dự báo thời tiết 6h sáng, các trường tiểu học và mẫu giáo ở Hà Nội đã ra thông báo cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10⁰C theo quy định. Có trường cho học sinh nghỉ hoàn toàn; có trường vẫn nhận quản lý học sinh và giao bài tập ở nhà cho học sinh không đến lớp. Một số trường chủ động bố trí phương án học online, hoặc ra thông báo vào học muộn hơn.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, việc căn cứ vào hai bản tin khá sát với giờ chuẩn bị cho học sinh đi học này khiến nhiều gia đình bị động, trở tay không kịp.
Trước băn khoăn này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đánh giá bản tin dự báo thời tiết lúc 6 giờ từ cơ quan chuyên môn có tính chính thống, là căn cứ xác đáng để quyết định.
Trong bối cảnh Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang hứng chịu đợt rét mạnh nhất từ đầu mùa đông đến nay, quy định học sinh tiểu học nghỉ khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10⁰C; học sinh trung học cơ sở nghỉ khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7⁰C được phát đi cho tất cả các quận/ huyện nội thành và ngoại thành. Quy định này được vận dụng linh hoạt và phù hợp cho từng cơ sở giáo dục.
Mặt khác, công tác phòng, chống rét đã được thực hiện từ đầu mùa đông. Trước mỗi đợt lạnh sâu, các trường được yêu cầu lên kế hoạch ứng phó, như cho học sinh nghỉ học, học trực tuyến hoặc trang bị thêm cơ sở vật chất để đón học sinh trong những ngày này. Phụ huynh cũng thường xuyên được nhắc nhở, khuyến cáo theo dõi tình hình thời tiết để giữ ấm cho con.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, đây là phương án linh hoạt, trao quyền chủ động cho các trường dựa trên điều kiện thực tế. Dựa trên quy định chung mà Sở đã ban hành, các trường có thể linh hoạt cho phù hợp, trên cơ sở sao cho tốt nhất với sức khỏe học sinh, được cha mẹ học sinh đồng thuận.
"Với những trường cho học sinh nghỉ vẫn mở cửa đón học sinh nếu gia đình không có người trông. Do đó, bản chất của quy định này không phải cứ 6 giờ sáng mới rối lên tìm cách làm mà đã có sự chuẩn bị rồi" , đại diện Sở Giáo dục và Đào tại Hà Nội cho biết.
Cần đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của trẻ
Chỉ sau vài ngày thực hiện quy định học sinh nghỉ rét, trên các diễn đàn, mạng xã hội đã có những tranh luận trái chiều giữa các phụ huynh có con ở tuổi đến trường.
Có ý kiến đồng ý cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp để đảm bảo sức khỏe, đồng thời cũng là giữ an toàn cho trường học. Vì chỉ cần một sự cố bất thường không may xảy ra trong trường những ngày thời tiết xấu cũng dễ bị xã hội lên án.
Nhiều ý kiến khác lại không đồng tình và cho rằng, thời tiết khắc nghiệt thì nên để trẻ học cách thích nghi, đảm bảo mặc ấm lúc đi đường, đến lớp và tránh làm xáo trộn sinh hoạt của các gia đình…
Trao đổi với Báo Công Thương, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rét dưới 10⁰C thì trẻ nhỏ nên được nghỉ học vì trẻ cần được ở nhà để giữ ấm cơ thể.
Về quan điểm của nhiều phụ huynh cho rằng trẻ nên được làm quen với thời tiết khắc nghiệt, theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, không nên "quá cực đoan trong các quan điểm". Không thể nói rằng, cần cho trẻ ra ngoài thời tiết giá rét để rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng cho con.
Khi thời tiết lạnh, trẻ dễ bị tổn thương sớm nhất và nhanh nhất do khả năng miễn dịch đang ở mức thấp và các cơ chế bảo vệ chưa hoàn thiện đầy đủ.
"Nếu con ốm, thay vì chỉ nghỉ một, hai ngày trông con, các phụ huynh sẽ phải nghỉ dài ngày, mất thêm thời gian, tiền bạc" , PGS Dũng nói.
Vị chuyên gia phân tích, quy định này được vận dụng linh hoạt và phù hợp cho từng cơ sở giáo dục, nên việc phụ huynh cho trẻ nghỉ học hay không phải tùy vào tình hình thực tế. Đầu tiên phải căn cứ vào điều kiện trường học, thứ hai là điều kiện, phương tiện gia đình đưa trẻ đến trường.
"Chẳng hạn, trong điều kiện nhiệt độ đó, phải xem trường mà trẻ học có đảm bảo phòng chống rét, có đủ ấm cho trẻ hay không? Trong trường hợp trường học đủ ấm rồi, thì lại căn cứ điều kiện mà gia đình đưa trẻ đến trường. Trẻ đi học chủ yếu được bố mẹ chở bằng xe máy ngoài đường nên "va chạm" nhiều với thời tiết vừa lạnh vừa gió buốt nên khá nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ em, nhất là hệ hô hấp" , PGS Dũng cho hay.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam , Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quy định học sinh được nghỉ học khi thời tiết xuống thấp dưới mức nhiệt độ quy định nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người học.
"Tuy nhiên, ngoài không khí lạnh, thời tiết cực đoan, còn có ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí cũng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Nếu muốn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con trẻ, chúng ta cũng phải cân nhắc thêm các yếu tố này" , vị chuyên gia giáo dục nói và cho rằng, cần tham khảo kinh nghiệm các nước xứ lạnh có nhiệt độ mùa đông xuống thấp chọn phương án thích ứng như thế nào để các hoạt động kinh tế, xã hội ít bị ngưng trệ, ảnh hưởng hơn.
Bên cạnh đó, cần phải xem xét thực tế, nếu thời tiết ngày càng cực đoan hơn do biến đổi khí hậu như thế này chúng ta phải thường xuyên cho trẻ nghỉ học hay sao? Nếu nghỉ học thì phương án dạy bù như thế nào?
Việc ngày nào cũng xem nhiệt độ bao nhiêu để quyết định cho con đi học hay nghỉ học sẽ tạo nên sự "bất định", không chắc chắn trong các gia đình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ tinh thần ra sao?
"Hiện các trường có phương án kép như vẫn nhận học sinh, kết hợp online hay giao bài tập, lùi thời gian vào lớp... cũng là phần nào chia sẻ một phần bị động cho phụ huynh và giáo viên" , nhà giáo dục Trần Thành Nam nói.