Liên quan tới vụ án mạng khiến hai người tử vong, một người bị thương xảy ra tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, lực lượng chức năng huyện Yên Thành cho biết phát hiện nghi phạm trong vụ án đã chết trong tư thế treo cổ tại khu vực rừng thông thuộc địa bàn xã Xuân Thành, huyện Yên Thành.
Trước đó, vào sáng 25/1, do mâu thuẫn gia đình nên chị T.T.T. (SN 1979) bỏ về nhà bố mẹ đẻ cách nhà khoảng 300m. Biết tin, Hoàng Văn L. (SN 1978, chồng chị T.) tìm đến nhà bố mẹ vợ.
Sau đó, người dân nghe tiếng la hét, cầu cứu, đến kiểm tra thì phát hiện chị T. tử vong ngoài cổng, bà Trương Thị Th. (hơn 70 tuổi, mẹ chị T.) tử vong trong nhà. Riêng bố chị T. bị thương được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hoàng Văn L. đã rời khỏi hiện trường.
Vụ việc được cơ quan công an tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với diễn biến như trên, rõ ràng sự việc có dấu hiệu tội phạm của tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Hành vi của nghi phạm có tính chất côn đồ, tước đoạt trái pháp luật tính mạng của nhiều nạn nhân.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau khi gây án nghi phạm đã treo cổ tự tử nên để làm căn cứ xác định nguyên nhân sự việc, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra, nếu kết quả điều tra cho thấy chỉ có một nghi phạm duy nhất nhưng đã chết, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án.
Ông Cường cho rằng, dù nguyên nhân nào chăng nữa, hành vi giết người hàng loạt của nghi phạm rất đáng trách, đáng lên án. Vì vậy, nếu còn sống, người này phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, nghi phạm đã tử vong nên trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.
Vụ việc là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khi coi nhẹ mạng sống của người khác, côn đồ, ích kỷ, coi thường pháp luật. Chỉ vì một cơn nóng giận mất kiểm soát mà có thể xóa sổ cả một gia đình và mang điều tiếng trong xã hội.
Và, cũng cho thấy mâu thuẫn trong gia đình cần được kiểm soát bằng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm hiểu biết. Nếu kéo dài không được giải quyết hoặc có những xung đột, thách thức dẫn đến mất kiểm soát, án mạng có thể xảy ra.
Sự việc tình cảm, mâu thuẫn vợ chồng cần được gia đình, người thân khuyên can hòa giải, nếu không được, có thể đưa ra chính quyền để hòa giải theo Luật hòa giải cơ sở.
"Chỉ khi nào ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác trở thành suy nghĩ, thói quen, trở thành văn hóa trong cộng đồng mới giảm thiểu được những vụ án mạng đau lòng, thương tâm như trên" – vị chuyên gia nêu quan điểm.