Dân Việt

Những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2024

Anh Tuấn 29/01/2024 10:25 GMT+7
Từ tháng 2/2024, 3 chính sách giáo dục đáng chú ý bắt đầu có hiệu lực là các trường được quyền chọn sách giáo khoa, không đào tạo từ xa ngành sư phạm, sức khoẻ; bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS.

Các trường được trao quyền lựa chọn sách giáo khoa

Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế cho Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT áp dụng từ ngày 11/10/2020 đến nay, chính thức trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục (trước đây là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Thông tư có hiệu lực từ 12/2/2024.

Theo Thông tư 27, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục do hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn sách.

Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng.

Hội đồng này bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục.

Việc lựa chọn sách giáo khoa dựa trên các nguyên tắc:

Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

Mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở giáo dục.

Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.

Không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên

Thông tư 28/2023 của Bộ GDĐT về ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học áp dụng với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học, chính thức có hiệu lực từ sau ngày 12/2/2024.

Theo Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, đào tạo từ xa được xác định là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình.

Những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2024 - Ảnh 1.

Thông tư 28/2023 nhấn mạnh các cơ sở giáo dục không đào tạo từ xa ngành sư phạm, sức khoẻ. Ảnh minh họa: Trường Đại học Y Dược (ĐHQGHN) tổ chức đón tân sinh viên và buổi học chính trị đầu khóa, năm học 2022 - 2023. Nguồn: UMP

Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân được phép đào tạo trình độ đại học; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đào tạo từ xa trình độ đại học.

Cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khoá liên tục theo hình thức chính quy. Bộ GDĐT lưu ý, các cơ sở đào tạo không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Chương trình đào tạo từ xa đã được xây dựng, thẩm định và ban hành theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo.

Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học không áp dụng đối với việc tổ chức đào tạo những chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp văn bằng (bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục).

Hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập bảo đảm khách quan, trung thực; đánh giá được quá trình học tập, đánh giá kết thúc học phần, môn học; kiểm soát và xác thực được việc học, làm bài kiểm tra, thi và thực hiện các nhiệm vụ được giao trong chương trình học tập của người học.

Về đội ngũ giảng viên, Quy chế cũng quy định, đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý đủ về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu; đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.

Bộ GDĐT yêu cầu giảng viên cơ hữu phải đáp ứng quy định về chuẩn chương trình đào tạo và các chuẩn chương trình đào tạo có liên quan do Bộ GDĐT ban hành.

Giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và chủ trì giảng dạy chương trình theo quy định về mở ngành đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo. Giảng viên thỉnh giảng cũng phải trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình đào tạo từ xa. Tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng và được tăng lên tối đa 50% khi và chỉ khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định thực hiện trên 20% khối lượng chương trình đào tạo từ xa; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, học liệu để triển khai thực hiện chương trình đào tạo từ xa.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở từ năm học 2024-2025

Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở mới ban hành tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024, áp dụng từ năm học 2024-2025.

Việc xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận trình độ của học sinh, học viên học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở. Việc xét công nhận tốt nghiệp căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập năm học lớp 9 của học sinh.

Theo Thông tư mới nhất, điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở có nhiều điểm mới như: Học sinh trung học cơ sở nghỉ quá 45 buổi vẫn được tốt nghiệp; bỏ xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở; tổ chức xét tốt nghiệp trung học cơ sở 2 lần/năm.