Dân Việt

Tìm lại ánh sáng sau hơn 30 năm sống trong cảnh "nhập nhoạng"

Diệu Linh 29/01/2024 11:38 GMT+7
Nhờ người cho chết não, một bệnh nhân đã tìm lại được ánh sáng sau 33 năm sống trong mù lòa, khó khăn.
Tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công hai ca ghép giác mạc mang lại ánh sáng diệu kỳ cho 2 người bệnh. Tưởng chừng ánh sáng đó đã tắt nhưng phép màu đến với họ.

Một bệnh nhân nam (sinh năm 1974, ở Nghệ An) bị chấn thương mắt trái cách đây 33 năm để lại sẹo dày vùng trung tâm giác mạc kèm theo đục thể thủy tinh, thị lực rất kém. 

Ghép giác mạc là giải pháp duy nhất nhưng bệnh nhân đã phải chờ đợi từ rất nhiều năm nay mà không có nguồn giác mạc hiến.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam khác (sinh năm 1955, ở Phú Thọ) bị viêm giác mạc nội mô từ nhiều năm nay, đã được điều trị thuốc nhiều đợt nhưng không khỏi. 

Theo lời kể của bệnh nhân, trong suốt thời gian dài mắt trái nhìn rất mờ, thường xuyên bị sưng đỏ, cộm, nhức, chảy nước mắt nhiều gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống. 

Tìm lại ánh sáng sau hơn 30 năm sống trong cảnh "nhập nhoạng"- Ảnh 1.

Kíp ghép giác mạc cho người bệnh thực hiện tại Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh BVCC

Các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 108 đã chẩn đoán mắt trái bệnh giác mạc bọng, đục thể thủy tinh, có chỉ định ghép giác mạc. Tuy nhiên, người bệnh phải chờ đợi 3 năm nay vì không có giác mạc hiến.

Người hiến giác mạc cho 2 bệnh nhân trên là một nam giới (34 tuổi, ở Phú Thọ) bị chết não do tai nạn giao thông. Sau khi được tư vấn, thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác nên gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến mô, tạng sau khi bệnh nhân qua đời.

Ngay sau khi được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo, Bệnh viện Quân đội 108 đã khẩn trương đến lấy 2 giác mạc và tiến hành 2 ca mổ liên tiếp ghép giác mạc kết hợp với phẫu thuật thể thủy tinh cho hai người bệnh. Kết quả tốt hơn cả mong đợi.

Ngày thứ 4 sau phẫu thuật, các mảnh ghép trong, thị lực sau chỉnh kính đã đạt được 2/10 và cả 2 người bệnh ra viện sau ghép ngày thứ 5 trong niềm vui khôn xiết. 

Có thể sống trong ánh sáng chan hòa là điều mà anh B nằm mơ cũng chưa tưởng tượng ra được. Anh B chia sẻ giống như mình được sinh ra lần nữa, có thể tiếp tục các dự định đang dang dở, lao động gánh vác trách nhiệm với gia đình. 

TS, bác sĩ Nguyễn Thế Hồng, khoa Mắt, Bệnh viện Quân đội 108 – người trực tiếp phẫu thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân, đây là các bệnh nhân phức tạp hơn so với thông thường vì phải phẫu thuật ghép giác mạc kết hợp với lấy thể thủy tinh đục, đặt thể thủy tinh nhân tạo.

Tại Việt Nam, không nhiều cơ sở y tế có thể thực hiện được thành công kỹ thuật tương tự. 

Theo TS Hồng, ghép giác mạc như một phép màu giúp cho người bệnh tìm lại nguồn sáng cho đôi mắt của mình. Ghép giác mạc có tỷ lệ thải ghép thấp và quá trình sử dụng thuốc chống thải ghép không phức tạp và tốn kém như ghép các tạng khác. 

Đặc biệt, quá trình phục hồi khá nhanh, chỉ sau ghép khoảng 1 tuần người bệnh có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt và làm việc nhẹ nhàng. 

"Sau khi ra viện, người bệnh ghép giác mạc được cho thuốc về điều trị và hẹn khám lại định kỳ lâu dài. Việc tuân thủ điều trị và đến khám lại đúng hẹn là rất quan trọng để có thể phát hiện sớm những biến chứng cũng như giúp mảnh ghép giác mạc có thể ổn định lâu dài. 

Bệnh nhân cần phải đến khám lại ngay nếu có các dấu hiệu: mắt đau nhức, đỏ mắt, thị lực giảm… vì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nhiễm trùng, tăng nhãn áp hoặc phản ứng thải mảnh ghép mà nếu không điều trị kịp thời có thể gây hỏng mảnh ghép", TS Hồng khuyến cáo. 

TS Hồng cũng chia sẻ, hiện nay, nhu cầu ghép giác mạc ở nước ta rất lớn do nhiều bệnh tật khác nhau gây ra (dị tật bẩm sinh, chấn thương, bỏng, viêm nhiễm…) nhưng nguồn giác mạc hiến rất khan hiếm do những yếu tố tâm lý, văn hóa, pháp lý… 

"Với tinh thần “cho đi là còn mãi”, mỗi người chúng ta cần hiểu hơn và ủng hộ việc hiến mô tạng sau khi mất đi như là một nghĩa cả cao đẹp, đem lại sự sống, ánh sáng cho nhiều người khác", TS Hồng cho biết.