Theo tìm hiểu, những năm 2000, bờ sông khu vực bán đảo Thanh Đa thường bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Trước tình hình đó, năm 2003, UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT TP nghiên cứu dự án phòng chống sạt lở bờ sông Sài Gòn tại khu vực bán đảo Thanh Đa.
Năm 2006, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chia thành 4 đoạn chính, nhưng đến nay chỉ có đoạn 1 hoàn thành.
Các đoạn còn lại có dài khoảng 9,5km, tổng vốn đầu tư hơn 1.340 tỷ đồng được bắt đầu thi công cách đây vài năm. Cụ thể đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine) dài 2,7km với tổng mức đầu tư 319 tỷ đồng, đoạn 3 (Bình Quới- Cây Bàng-Rạch Chùa) dài 4km với tổng mức đầu tư 643 tỷ đồng, đoạn 4 (sông Sài Gòn, khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn) dài 2,7km với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng.
Chiều ngày 28/1, có mặt tại khu vực cuối của hẻm 265 Bình Quới (quận Bình Thạnh, TP.HCM), ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, một số căn nhà được tháo dỡ, gạch đá lởm chởm, ngay sát khu vực bờ sông Sài Gòn, cỏ cây mọc um tùm.
Khi được hỏi về dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, người đàn ông trung niên đang câu cá tự nhận làm chủ khu đất cho biết, nơi đây thuộc đoạn 3 của dự án, thế nhưng đã hơn 5 năm rồi ông không thấy thi công.
"Ngày trước chúng tôi phá dỡ nhà bàn giao mặt bằng, chỉ mong dự án sớm hoàn thành để sửa sang lại nhà cửa, thế nhưng đã mấy năm qua vẫn chưa thấy nhà thầu họ làm gì", người đàn ông ngán ngẩm nói.
Tiếp tục di chuyển khu vực cuối hẻm 307 Bình Quới, phóng viên ghi nhận, nhiều trụ bê tông chất thành đống ngay sát bờ sông, một số nằm xen kẽ trong bụi cỏ. Ngay bên cạnh, vật liệu làm thân kè ngổn ngang, xám xịt và bị cỏ che kín.
Cũng tại vị trí này, phía bên phải, một đoạn bờ kè đã được hoàn thành, thế nhưng theo thời gian, có chỗ đã bong tróc, có những đoạn, thanh sắt chắn ngang nối các trụ đã không còn.
Tiếp tục khảo sát một số vị trí thuộc đoạn 4 của dự án, tại khu vực hẻm cuối 158 Bình Quới đến cuối hẻm 188 Bình Quới, những đoạn bờ kè vẫn chưa được xây dựng, bê tông cốt thép ngổn ngang, đá lát kè phủ rêu nằm dưới lớp dây leo, cây cỏ.
Cách đó một đoạn, cuối hẻm 352 Bình Quới, khu bờ kè công viên bờ sông Mai Thôn đã được hoàn thiện, tuy nhiên, đoạn từ cuối hẻm 352 ngược lên dọc bờ tường nhà thờ La San dài hơn 200m đã làm xong bờ kè, lan can nhưng hệ thống thoát nước chưa có, vỉa hè cũng chưa lát đá mà được phủ một lớp cát dày.
Ngoài ra, tại đoạn 2 của dự án cũng đang thi công dang dở, một số vị trí đang được đóng cọc, chưa hoàn tất việc thi công.
Mới đây, trong tháng 1/2024, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư) về việc đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với các công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (quận Bình Thạnh).
Theo đó, khi kiểm tra, tại gói thầu số 11, trên phạm vi công trình, nhà thầu thi công không có thiết bị máy móc nhân lực, vật tư để triển khai thi công công trình. Theo báo cáo của Ban Giao thông, tư vấn giám sát, đơn vị thi công đã hoàn thành 502/852m và ngưng thi công từ tháng 6/2022. Mặt bằng thi công đã được bàn giao từ tháng 6/2022 nhưng đơn vị thi công vẫn không bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực và vật tư để triển khai thi công công trình.
Sở GTVT TP.HCM nhận thấy tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm so với quy định, số lượng nhân lực, máy thi công không đáp ứng theo đúng yêu cầu theo hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Song song đó, việc chậm triển khai thi công công trình đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng tránh sạt lở cấp bách, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cột điện...) trong khu vực. Đặc biệt, việc này còn gây mất niềm tin của các hộ dân đã nghiêm túc chấp hành, bàn giao mặt bằng để thi công công trình.
Sở GTVT yêu cầu chủ đầu tư xem xét trách nhiệm của nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan trong việc chậm trễ thi công, xử lý theo các điều khoản của hợp đồng và quy định của pháp luật.
Sau đó, ngày 25/1, Ban Giao thông cũng đã có buổi làm việc với ông Đặng Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Anh Vinh (gọi tắt Công ty Anh Vinh) để thảo luận về việc điều chuyển khối lượng công việc giữa các thành viên liên danh và chấm các hợp đồng của các hợp đồng có sự tham gia của công ty này. Trong đó có dự án chống sạt lở bán đảo Thanh đa - đoạn 2, đoạn 3, đoạn 4.
Lý giải về việc nhà thầu chậm thi công, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, khi lựa chọn đấu thầu làm dự án, các nhà thầu đều phải đảm bảo năng lực, tuy nhiên, sau Covid-19 rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến suy giảm năng lực. Mặc dù Ban Giao thông cũng cố gắng chia sẻ, tuy nhiên đến một giới hạn thì bắt buộc phải xử lý, không để tổng tiến độ dự án bị chậm vì nguyên nhân như vậy.
Ban Giao thông cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng một quy trình chuẩn, xử lý dứt điểm những trường hợp chậm thi công nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Sở GTVT TP.HCM nhận định, việc chậm thi công đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống sạt lở cấp bách, cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các công trình hạ tầng trong khu vực. Đồng thời, việc chậm thi công gây ảnh hưởng đến công tác bàn giao mặt bằng tại các vị trí khác của dự án, không đảm bảo việc giải ngân theo kế hoạch vốn được giao.