Bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài suốt 30 năm, nhưng hình ảnh hạt gạo quê nhà "trắng tựa bông" luôn ở trong tâm trí Người. Khi bị giam cầm trong nhà tù Quốc dân Đảng, Người đã mượn hình ảnh hạt gạo trong cối giã đưa vào bài thơ "Nghe tiếng giã gạo" để nhắc mình về ý chí rèn luyện vượt gian nan. (1)
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, là người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn, phải đương đầu với "ba loại giặc" cùng lúc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Để giải quyết tình trạng thiếu lương thực, trên báo Cứu quốc ngày 28/9/1945 - tức chỉ chưa đầy một tháng sau ngày Lễ Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài kêu gọi sẻ cơm nhường áo: "Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".
Những bức ảnh, thước phim để lại cho thấy hình ảnh Người cởi dép, xắn quần lội ruộng, lội bùn xuống với những người nông dân, nâng niu, hỏi han về từng bó lúa, hạt thóc...
Đồng thời, Chủ tịch kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, đến mùa hè năm 1946, nhân dân đã sản xuất được lượng lương thực quy ra thóc là 506.000 tấn, bù lại cho số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bắt đầu từ những hạt gạo cứu đói, nạn đói đã được đẩy lùi, trong khi giá thóc còn giảm. Tại lễ kỷ niệm một năm Ngày Độc lập, 2/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã tự hào tuyên bố: "Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ!".
Sinh ra trong gia đình nhà Nho, nhưng sống ở làng quê từ bé, Hồ Chủ tịch có thể làm mọi công việc của nông dân. Khi ở Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hay trên chiến khu trong kháng chiến, Người vẫn thường cùng các cán bộ cuốc đất trồng cây để tăng gia sản xuất. Người cũng thường xuyên đi về các địa phương, thăm ruộng đồng, hỏi thăm tình hình sản xuất của nông dân.
Khi nhìn những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: Chủ tịch là một vị lãnh tụ mà khi đi với quần chúng luôn hòa vào quần chúng, chứ không tách ra đứng cao hơn quân chúng. Không chỉ hòa vào với nhân dân, Người còn tham gia cùng bà con nông dân hầu hết mọi công đoạn của quá trình làm ra hạt gạo, từ cuốc đất, tát nước gàu dai, đạp guồng nước, đạp máy cấy lúa cải tiến…
Người cũng quan tâm chống hạn, chống lụt, theo dõi từng tin tức liên quan đến quá trình sản xuất nông nghiệp, như góp ý với địa phương nghiên cứu biện pháp thay thế việc chị em phụ nữ đội thúng trên đầu, hay mời người nông dân gánh bùn đổ vào ruộng lúa về dự hội nghị bàn về sản xuất nông nghiệp…
Các cán bộ làm việc gần gũi bên Người kể lại, Chủ tịch luôn nhắc nhở mọi người quý trọng từng hạt gạo, hạt cơm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người thường xuyên dùng bữa với Chủ tịch, từng kể: "Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ quý và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo"(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người vô cùng giản dị, mỗi chuyến đi công tác xa, Người thường dặn cán bộ chuẩn bị gói cơm nắm, muối vừng hoặc thêm chút thịt rang mặn để ăn dọc đường, Người không muốn dự cỗ bàn do địa phương tiếp đãi, vì thấy phiền phức và tốn kém. Người còn viết thư căn dặn bộ đội tiết kiệm không chỉ "từng viên đạn", mà còn "từng hạt gạo, không được để lãng phí"(3).
1. Bài thơ "Văn thung mễ thanh" (Nghe tiếng giã gạo), Nhật ký trong tù, NXB Văn học, 2021
2. Tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Lời nói đi đôi với việc làm. TS Trần Viết Hoàn, Tạp chí Tuyên giáo, 3/2012
3.Thư gửi lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng, binh chủng, sư đoàn do Tổng cục Chính trị tổ chức họp tháng 5/1969 (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15).