Thông tin được UBND TP Hà Nội đưa ra, theo đó thành phố đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội để thống nhất các nghiên cứu, làm cơ sở tổ chức triển khai, thực hiện.
Về hướng tuyến các tuyến đường sắt, phương án quy hoạch tuyến cần bổ sung làm rõ các nội dung như sau:
Đối với các tuyến đường sắt hướng tâm hiện có (5 tuyến, gồm: Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên), tại đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định nâng cấp thành đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa.
Tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối chưa xác định rõ phương án quy hoạch tuyến là đường sắt đơn/đôi, quy mô hành lang xây dựng tuyến.
Do vậy cần phải bổ sung làm rõ, xác định lộ trình, thời điểm phù hợp quy hoạch cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia để cập nhật vào các quy hoạch của thành phố đang triển khai cũng như dự trữ quỹ đất hành lang bố trí các tuyến đường sắt quốc gia và triển khai dự án khi đủ điều kiện.
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có điểm đầu từ ga Ngọc Hồi.
Tại dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối, đơn vị tư vấn kiến nghị giữ hành lang đoạn tuyến ga Hà Nội - Ngọc Hồi để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận ga Hà Nội là chưa phù hợp định hướng quy hoạch.
Đối với tuyến đường sắt vành đai phía Tây và đoạn tuyến vành đai phía Đông từ ga Ngọc Hồi đến cầu Mễ Sở, trên địa phận Hà Nội đã dự trữ quỹ đất dọc theo phía ngoài đường vành đai 4 để xây dựng đường sắt.
Tại đồ án quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hà Nội cần lưu ý bố trí các tuyến đường sắt vành đai đi trong hành lang này để bảo đảm thống nhất.
Ngoài ra, tại khu vực phía Nam cần nghiên cứu, bổ sung 1 ga tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên trên tuyến đường sắt tốc độ cao để kết nối với cảng hàng không thứ hai Thủ đô và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực.
Về lộ trình, với mục tiêu đầu tư xây dựng để đưa vào khai thác 50% chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội vận hành trước năm 2030, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1, cần xác định tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông và tổ hợp ga Ngọc Hồi hoàn thành trước năm 2030 để bàn giao hành lang đoạn tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và các cơ sở vật chất của đường sắt trên tuyến về thành phố Hà Nội bảo đảm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đáp ứng tiến độ trên.