Tất cả, tựu trung lại, đều chỉ xoay quanh đúng một điểm chung duy nhất vẫn tồn tại của TTVN xưa nay: quá trọng thành tích.
Khi ông Park Hang-seo chia tay Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN), tiếc nuối trong lòng người hâm mộ là quá lớn. Nói thẳng, với những gì ông đã cùng bóng đá Việt Nam chinh phục được, ông đã trở thành một thần tượng bất khả xâm phạm. Thực tế, ngay từ khi ông còn tại vị, nhiều tay bút thể thao cũng ngại góp ý với ĐTQG khi họ nhận thấy có những vấn đề phát sinh. Cơ bản, góp ý của họ có đúng đến mấy thì cũng bị người hâm mộ ném đá vì cái tội "bỉ bôi thầy Park".
Cái thiếu của thể thao Việt Nam chính là lực lượng thể thao bán chuyên, thường là thể thao học đường. Phát triển thể thao học đường là tối quan trọng bởi nó tạo nền tảng lớn cho thể thao chuyên nghiệp cũng như cải thiện thể chất dân tộc. Nhưng muốn thể thao học đường hấp dẫn, nó cần các giải đấu cạnh tranh hấp dẫn đủ sức để lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia một cách đông đảo và nhiệt tình.
Chính vì vị thế lừng lững của người đàn ông chưa cao đầy 1m70 người Hàn Quốc ấy mà áp lực lên vai HLV Philippe Troussier đã được nhân lên gấp bội. Thú thực, nếu bóng đá Việt Nam không có những thành tích như dưới thời Park Hang-seo, việc một tên tuổi như Troussier đảm lãnh trách nhiệm HLV trưởng sẽ được xem là bước ngoặt lớn của nền bóng đá giàu khát vọng này. Nhưng một khi đã tồn tại sự so sánh chỉ đánh giá dựa trên cơ sở của thành tích, ngay cả… Jurgen Klopp có về dẫn dắt tuyển Việt Nam thì vẫn bị so sánh như thường.
Đó là quyền của người hâm mộ. Nó chính đáng. Nhưng nó bất hợp lý.
Troussier chủ trương đưa nhiều tên tuổi mới, và trẻ trung lên đội tuyển quốc gia. Không phải ông có vấn đề gì cá nhân với những ngôi sao cũ nhưng là chuyên gia nước ngoài gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu nhất ở thời điểm này, lựa chọn của ông là đúng đắn. Thể thao cần sự kế thừa. Và khi tất cả những gì tốt đẹp nhất của thế hệ vàng đã được ông Park Hang-seo gặt hái xong rồi, giai đoạn này chính là giai đoạn chuyển giao. Và không có nền bóng đá nào trên thế giới lại có thể có được giai đoạn chuyển giao cũng lẫy lừng như thời kỳ vàng trước đó. Việt Nam càng không thể.
Những ai tinh ý đều nhận ra rằng ở năm cuối cùng của mình trong hợp đồng với VFF, ông Park Hang-seo đã khéo léo chối từ nhiệm vụ với ĐT U23. Không phải ông quá tải. Ông biết lứa kế cận ấy sẽ quá sức mình trước kỳ vọng và so sánh với lứa Quang Hải. Một công việc mà người thành công không dám nhận, việc người khác dám đảm nhận nó lẽ ra cần phải được xem là biểu hiện của ý chí và lòng dũng cảm.
Tất nhiên, sau năm 2023, ai cũng thấy rõ ĐTVN đã không còn được mạnh mẽ như trước. Đa số đổ lỗi cho lối chơi của Troussier. Nhưng đa số đều không hiểu, lối chơi là do con người thực hiện nó. Với một lớp cầu thủ kế cận chưa đạt độ chín, và nếu có chín cũng chưa chắc sánh bằng lứa đàn anh, chuyện trình diễn một lối chơi thuyết phục là hơi bị khó. Và cũng nên nhìn thẳng vào một sự thật khác, từ chuyến trở về của Quang Hải. Cầu thủ Việt Nam đã tiếp tục thất bại khi thử sức ở các giải đấu tầm vóc hơn. Thất bại này, đến từ đâu? Kỹ thuật? Tư duy chiến thuật? Thể chất? Thể hình?
Hãy tạm gác lại các câu hỏi trên để phóng chiếu sang thất bại ở Asian Games với số Huy chương Vàng giành được thua kém kỳ Asian Games trước đó (3 so với 5). Ngoài nhiều nguyên nhân đã được nói đến quá nhiều trên truyền thông, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng lực lượng kế cận của thể thao Việt Nam mỏng. Và một điểm nữa cũng rất quan trọng: Thể chất của vận động viên Việt Nam thua kém so với châu lục, từ Đông Á cho tới Tây Á.
Nâng thể chất sánh tầm quốc tế
Quay lại với các câu hỏi ở trên về sự thất bại của các tuyển thủ bóng đá ở các giải đấu nước ngoài. Điểm thua nằm ở chính thể chất. Thể chất kém hơn dẫn tới sức bền, tốc độ, sức mạnh kém hơn. Mà đấu trường bóng đá đỉnh cao ở Nhật, Hàn hay châu Âu thì luôn đòi hỏi xử lý bóng ở tốc độ rất cao do tốc độ ập dập của đối thủ là quá nhanh. Cầu thủ Việt thiếu cái chất để có thể va chạm đối kháng sòng phẳng với đối thủ.
Ngay cả trong những chiến thắng hiếm hoi chúng ta từng có trước các đối thủ lớn tầm hơn mình cũng vẫn ẩn chứa cái yếu thế của cầu thủ Việt. Thắng đấy nhưng thường thắng trên thế ở chiếu dưới chứ không phải có thể sòng phẳng chơi ngang ngửa với đối thủ.
Hãy nghĩ tới chuyện thay đổi thể thao Việt Nam từ thay đổi nền tảng thể chất người Việt, mà trong đó, có một yếu tố quan trọng chính là thực đơn hàng ngày. Người Việt có thói quen ăn uống thế nào, dưỡng chất có đủ để tạo nên những cá nhân có nền tảng thể chất đủ sánh tầm quốc tế hay không? Nội câu hỏi này đã đủ để mở ra một đề tài rộng nhằm cải thiện thành tích thể thao Việt Nam!
Một ví dụ cơ bản nhất là bữa ăn sáng. Đây là bữa ăn thực sự quan trọng nhưng trong văn hóa Việt, bữa sáng vẫn được xem là bữa quà. Thay đổi một thói quen bữa sáng là cực khó. Người Việt khó có thể xa phở, bún riêu, hủ tíu, bún bò… chỉ một thời gian ngắn chứ đừng nói đến thay thế chúng hoàn toàn bằng một thực đơn không ngon nhưng dồi dào dinh dưỡng. Và hơn nữa, loại bỏ thói quen quà sáng lại là triệt tiêu một văn hoá lâu đời, và thậm chí là đẹp. Có thực hiện nổi không? Rất khó nếu không nói là bất khả.
Trong muôn vàn cái khó, có lẽ, việc lựa chọn những môn thể thao phù hợp tố chất người Việt để chú trọng nên là hướng lựa chọn tối ưu nhất. Nhưng cơ bản hơn cả, lựa chọn được môn mũi nhọn rồi, đầu tư cho các môn ấy ở hệ chuyên nghiệp rồi cũng vẫn là chưa đủ. Phải tạo cho cộng đồng sự mê say với môn chơi để đủ biến nó trở thành phổ thông và là sở thích chung của xã hội. Thể thao chỉ tồn tại khi có người chơi nó chứ không chỉ cần VĐV đỉnh cao thi đấu nó là đủ.
Nhưng nói gì thì nói, muốn làm gì thì phải làm tới nơi tới chốn chứ không phải chỉ khi cảm thấy có khả năng gặt thành tích thì mới đầu tư và ngược lại. Câu chuyện ĐT bóng bàn Việt Nam không còn phòng tập ở Trung tâm HLTT quốc gia 1 nhiều năm qua là một ví dụ điển hình. "Vâng, khi bóng bàn không còn khả năng vàng bạc ở SEA Games nữa thì phải nhường chỗ cho vật thôi nhà báo ạ" - câu nói ấy của một HLV bóng bàn đủ cho thấy bản thân những người hoạch định sách lược thể thao cũng nhiễm tư duy "chỉ có chiến thắng" như người hâm mộ. Với tư duy ấy, chúng ta chỉ có thể sống trong thế giới thể thao bằng ảo vọng và thành tích nếu có cũng chỉ nhờ thời cuộc chứ không phải được chuẩn bị một cách căn cơ.
Phải biến ảo vọng thành kỳ vọng. Đó chính là mục tiêu lớn của thể thao Việt Nam không chỉ ở năm 2024 này mà còn cần phải được duy trì ở nhiều năm về sau nữa.