Từ khi nước Việt xây dựng nền tự chủ, rồng đã trở thành biểu tượng của quân vương. Chỉ vua mới được sử dụng những đồ vật có hình rồng, như vua mới được mặc áo long bào, ngồi long ngai, đi long xa… Các thứ liên quan đến vua đều có biểu tượng rồng, hay mang tên rồng, như thềm rồng, sân rồng…
Rồng gần gũi trong văn hóa Việt
Nhưng ngoài ra, đối với người Việt thì rồng vừa không chỉ cao sang mà còn rất thân thiện và có phần gần gũi. Thế nên kinh đô nghìn năm của đất Việt được vua Lý Thái Tổ đổi tên từ Đại La thành Thăng Long năm 1010 gắn với truyền thuyết "vua thấy rồng vàng hiện ra". Thời Lý, chính sử ghi lại có hàng chục lần thấy "rồng hiện", trong đó có những lần rồng hiện ở những chốn rất dân dã như "hiện xuống ở cây mai" (năm Hội Phong thứ 8- 1098, đời vua Lý Nhân Tông) hay lạ, và đặc biệt hơn, khi "rồng hiện ở hàng bán nước chè ở Kinh sư" (năm Hội Tường Đại Khánh thứ 10 -1119, tháng 5, cũng thời vua Lý Nhân Tông).
Từ thời Tiền Lê, sang tới nhà Lý, các vị vua nước ta luôn khuyến khích nhân dân phát triển nông nghiệp, khi thường xuyên về các vùng quê như hành cung Ứng Phong (Nam Định ngày nay), Lý Nhân (Hà Nam) để cày ruộng tịch điền, hoặc xem nhân dân gặt lúa. Tại hành cung Lý Nhân, vua Lý Nhân Tông cũng đã thấy rồng vàng hiện lên vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 6 (1125), khi đi xem nhân dân cày ruộng vào tháng 4 (âm lịch).
Khi các tỉnh gần Kinh kỳ cũng báo đã được mưa, vua Thiệu Trị đã phê bảo rằng: "Mưa ngọt ngấm khắp mọi nơi, lòng ta rất yên vui". Niềm vui của bậc quân vương khi ấy hòa chung với niềm vui của nhà nông, với thần dân trăm họ.
Đọc sử, mọi người đều nhớ chuyện các vua nhà Trần từ Trần Nhân Tông về trước đều xăm hình rồng ở vế đùi "để tỏ là không quên nguồn gốc tổ tiên là người miền dưới (vùng sông biển)" như lời Trần Nhân Tông khi là Thượng hoàng nói với vua Trần Anh Tông. Nhưng có lẽ do vua Trần Anh Tông… nhút nhát, sợ xăm, nên từ vị vua này về sau thì tục này thất truyền. Nhưng nếu đọc kỹ "Đại Việt sử ký toàn thư", có thể thấy tục lệ đó đã phổ biến từ thời Lý, khi vào năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), vua Lý Nhân Tông đã ban sắc lệnh với nội dung: Cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được xăm mực vào ngực, vào chân như kiểu cấm quân và cấm xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô. Theo sử sách, nhân dân ta có tục xăm rồng để khi lội nước không bị thuồng luồng xâm phạm, vì thuồng luồng sợ rồng.
Nhưng rồng cũng là loài vật gắn liền với nước, với văn minh lúa nước. Canh tác phải có nước, nước thì chủ yếu trông chờ vào trời mưa, nếu không mưa, sẽ sinh hạn hán, mùa màng thất bát, đến vua cũng phải lo. Mà theo quan niệm xưa, việc gieo mưa do Long Vương (vua Rồng) cai quản, nên mỗi khi trời hạn hán, nhà vua vẫn thường phải lên đàn cầu Long Vương cho mưa xuống. Mỗi khi mưa giông, xuất hiện lốc xoáy, nhân dân ta vẫn gọi là "vòi rồng".
Trong những trò chơi dân gian xuất phát từ văn hóa lúa nước, trò múa rối nước, với lai lịch xuất hiện từ cách đây cả 10 thế kỷ, cũng đã có hình ảnh rồng, với trò rồng phun lửa mà đến nay vẫn được khán giả yêu thích. Tuy dân gian bị cấm sử dụng hình ảnh rồng, nhưng những người thợ thủ công tài hoa đất Việt vẫn khéo léo chạm khắc các hình ảnh rồng trong các chi tiết vì kèo của những ngôi đình, đền thờ thần. Trên nóc đình, cũng như trên cung điện của vua, được phép đắp hình "lưỡng long chầu nhật".
Vua Việt thành kính với Long Vương
Thời phong kiến, mỗi khi hạn hán, vua chỉ biết làm lễ cầu Thượng Đế, cầu Long Vương ban mưa. Vào thời Lê, năm 1437, dưới đời vua Lê Thái Tông, đất nước bị hạn hán, sâu hại lúa, nhà vua hạ lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa.
Thời chúa Nguyễn Ánh còn ở miền Nam, năm 1791, trời bị hạn, chúa đã sai dinh thần Trấn Biên cầu đảo ở Văn Miếu và đền Long Vương, theo bộ sử triều Nguyễn "Đại Nam thực lục" thì lòng thành của chúa được Long Vương ứng nghiệm, viết rằng "sau đó, trời bèn mưa".
Bộ sử này cũng cho biết nhiều lần các vua nhà Nguyễn cầu đảo Long Vương mỗi khi hạn hán, như vào mùa hạ năm Minh Mạng thứ 4 (1823): "Trong kinh kỳ bị hạn, vua sai cầu đảo ở miếu Nam Hải Long Vương (ở cửa biển Thuận An). Mưa to". Đến mùa đông năm ấy, trong Kinh kỳ ít mưa, vua Minh Mạng lại sai cầu đảo ở miếu Nam Hải Long Vương, cũng được mưa to...
Có thể thấy sự quan tâm của vua Minh Mạng với mùa màng nông nghiệp khi thời tiết khô hạn, qua lời vua Minh Mạng sai bộ Lễ ban bố cho các địa phương, sau khi đảo vũ được mưa ở đền Nam Hải Long Vương vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 5 (1824) và được mưa, rằng: "Nếu đồng ruộng nay còn khô hạn thì nên ở miếu Hội đồng hay ở các đền linh thiêng trong hạt hết lòng thành mà cầu đảo, không kể số ngày, cốt sao được mưa cho tốt lúa. Từ sau hạt nào bị hạn đến mươi hai ngày, ruộng lúa dẫu chưa tổn hại cũng nên vì dân đảo vũ. Các người hãy ghi đó làm lệnh!".
Mùa thu năm ấy, thấy trời ít mưa, vua Minh Mạng lại sai thự Tham tri Nguyễn Đăng Tuân đảo vũ ở miếu Nam Hải Long Vương, rồi được mưa to. Vua bảo thị thần: "Nay là thời gieo mạ của nhà nông, được trận mưa to lòng trẫm rất lấy làm mừng, nhưng đến lúc cấy chưa biết mưa móc ra sao?". Vừa lúc đó, Quảng Trị cũng báo được mưa, vua rỡ mừng nói rằng: "Trong Kinh mới được mưa vừa đỡ nóng ruột, lại nghe Quảng Trị báo tin, xiết bao mừng rỡ, ta bất giác ăn được nhiều cơm!".
Vua Thiệu Trị cũng một lòng lo lắng cho nhân dân khi trời hạn không mưa, và thành kính với Long Vương. Năm 1844, trời lâu ngày không mưa, nhà vua "đã mật đảo ở trong cung cấm", sau đó làm bài thơ sai quan Nội các là Nguyễn Bá Nghi mang đến miếu Nam Hải Long Vương tế lễ rồi hóa đi; lại sai Đề đốc Tôn Thất Cung đến miếu Vũ Sư (thần làm mưa) thành kính cầu đảo. Đến ngày hôm sau, mưa to...