Các hoạt động đón chào Tết Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc: Nùng, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Bên cạnh đó, 30 nghệ nhân đồng bào dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên cũng được huy động cho hoạt động điểm nhấn từ 17,18/02/2024 (tức ngày 8, 9 tháng Giêng Âm lịch).
Hoạt động điểm nhấn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ là Hội tung còn ngày xuân, nét văn hóa độc đáo của người Thái, Lào, Khơ Mú... Trò chơi ném còn mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc buồn, ốm đau sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Đây là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của đồng bào. Cây còn được dựng giữa trời đất để cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, dân bản yên vui, nhà nhà ấm no, thỏa mãn tinh thần, đời sống tâm linh của dân bản. Bên cạnh đó, đây còn là dịp nam nữ thanh niên gặp gỡ tìm hiểu rồi se duyên. Trong chương trình, các trò chơi như: đi cà kheo, kéo co… cũng được tổ chức.
Chương trình giao lưu Hoa xuân Tây Bắc tái hiện lại không gian lễ hội với những trò chơi dân gian truyền thống ngày Xuân: Đồng bào Mông vui trong điệu khèn trong trò chơi ném pao ngày xuân; đồng bào Thái, Khơ Mú, Lào say trong tiếng nhạc rộn ràng điệu múa sạp, điệu xòe… qua đó thể hiện niềm vui, tình đoàn kết cộng đồng.
Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức chương trình dân ca dân vũ Buôn làng khi mùa xuân về. Trong sự kiện, những nghệ nhân sẽ thể hiện các ca khúc về Tây Nguyên, nét rộn ràng khi mùa xuân về khắp buôn làng. Bên cạnh đó, các nét đặc sắc trong âm nhạc dân gian với dụng cụ từ tre nứa như đàn Đinh gong, Đing pút, đàn T'rưng… cũng được mang lên sân khấu.
Tái hiện Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên
Lễ hội Lồng tồng là lễ hội tiêu biểu nhất của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên, với mục đích là cúng tạ trời đất đã ban cho buôn làng, dòng họ, gia đình, sức khoẻ dịp đầu năm mới. Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, sau một năm vất vả với công việc đồng áng, mừng cho những thành quả lao động đã đạt được.
Đây được xem là hoạt động tín ngưỡng gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt của đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng để tạ ơn đất, trời, các vị thần linh; đồng thời cầu xin các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm.
Chương trình giao lưu Sắc chàm hương xuân mang tới các giai điệu then - một loại hình văn hoá, văn nghệ đặc sắc mà còn gắn một phần tâm linh trong đời sống xã hội. Ngài ra, những tiết mục dân vũ hnhuw hát Sli, hát Lượn, đàn tính cũng hứa hẹn tạo nên một không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm mang đậm nét truyền thống dân tộc, thể hiện sự đa dạng độc đáo của văn hóa cùng chào đón năm mới.