Theo đó, BTC đã nhận được 275 tác phẩm của 275 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự. Cụ thể: thể loại Thanh nhạc có 209 tác phẩm; Ca khúc thiếu nhi 23 tác phẩm; Giao hưởng 3 tác phẩm; Thính phòng (Độc tấu - Tứ tấu - Hòa tấu nhạc cụ) 14 tác phẩm; hợp xướng và Acapella 6 tác phẩm; Ca khúc nghệ thuật 4 tác phẩm; Chương trình biểu diễn 7 và 9 công trình lý luận, gồm sách nghiên cứu, sách biên soạn và sưu tầm, các tập bài báo về âm nhạc.
"Hội đồng nghệ thuật đã làm việc nghiêm túc, khoa học, kỹ lưỡng và công tâm để chọn ra những công trình, tác phẩm có chất lượng đề nghị Ban tổ chức trao giải thưởng"- PGS.TS Đỗ Hồng Quân khẳng định.
Kết quả, thể loại Ca khúc có 51 tác phẩm đoạt giải, trong đó giải A được trao cho Lửa tình hoang sơ của Sỹ Thắng (Hà Nam); Gọi gió của Hồ Trọng Tuấn (Hà Nội) và Thênh thang trên con đường mới của Phạm Anh Thông (Hà Nội).
Thể loại Ca khúc thiếu nhi có 8 tác phẩm đoạt giải, trong đó giải A được trao cho Cánh én nhỏ bay tới đảo xa của Văn Thành Nho (TP. Hồ Chí Minh).
Thể loại Giao hưởng và Thính phòng đều không có giải A. Giải B thể loại Thính phòng được trao cho Về quê mẹ (Độc tấu Đàn Nguyệt cùng Dàn nhạc Dân tộc) của Nguyễn Thúy My (Hà Nội); Thương nhớ dòng Hương của Lê Văn Đình (Thừa Thiên – Huế); Dòng sông quê hương (Tứ tấu đàn dây) của Quang Thanh Giang (Cần Thơ).
Thể loại Hợp xướng có 4 tác phẩm đoạt giải, trong đó giải A được trao cho Dáng đứng ấp Bắc của Chung Hữu Phú (Bến Tre). Thể loại Ca khúc nghệ thuật có 4 tác phẩm đoạt giải nhưng không có giải A. Thể loại Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc được trao cho DVD Chương trình đêm nhạc Đỗ Nhuận Âm thanh cuộc đời - Lê Thụy (TP. Hồ Chí Minh); DVD Chương trình đêm nhạc "Tiếng hát Ca trù" - TS. NSƯT Bạch Vân (Hà Nội); DVD Chương trình Live show "Xin còn gọi tên nhau" - Trần Thị Thanh Trà (TP. Đà Nẵng); DVD Chương trình đêm nhạc "Miên khi Cello hát" - Bùi Thị Hà Miên (Hà Nội); DVD Chương trình đêm nhạc "Chương trình Phương Linh" - Trịnh Minh Hiền (Hà Nội).
Thay mặt BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, 2023 ghi đậm dấu ấn những thành tích trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực Văn hóa, Văn học nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực Âm nhạc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo dấu ấn đậm nét.
Trong công tác chuyên môn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc toàn quốc 2 đợt tại An Giang và Hà Giang, đồng thời, tổ chức các cuộc tọa đàm với các chủ đề bổ ích, thiết thực gắn liền với công tác sáng tác, nghiên cứu, bảo tồn giá trị âm nhạc. Hoạt động tri ân tiếp tục là điểm nhấn trong những tháng cuối năm 2023 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh các nhạc sĩ Văn Cao; nhạc sĩ Trọng Loan, nhạc sĩ Xuân Oanh…
Chia sẻ về Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS.TS Đỗ Hồng Quân cũng nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm vinh danh các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng những sáng tạo âm nhạc xuất sắc trên các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo. Qua đó tiếp tục động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà giáo âm nhạc tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nói riêng và nền văn học nghệ thuật của đất nước nói chung.
"Thông qua các giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng là sự tích lũy những thành tích sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhạc sĩ, nghệ sĩ làm cơ sở tiến tới những giải thưởng cao hơn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật", PGS. TS Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Hồng Quân cũng cho biết, Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiến hành xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2023 từ ngày 20 đến ngày 21/12 trong các lĩnh vực: Thanh nhạc, Khí nhạc, các công trình Lý luận phê bình và Báo chí âm nhạc, các chương trình biểu diễn.
Thay mặt Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2023, PGS, TS Đỗ Hồng Quân đánh giá, về thể loại Khí nhạc: (Giao hưởng, Thính phòng, Hòa tấu, Hợp xướng, Romance, chương trình DVD), nhìn chung có một số tổng phổ viết chưa đạt, còn lỗi vì chưa hiểu kỹ về dàn nhạc giao hưởng và tính năng nhạc cụ. Một số tác phẩm phối các bè lỏng, chênh hòa thanh, hoặc xếp bè rỗng, hòa thanh chủ yếu đồng âm. Có tác phẩm thiếu tính khí nhạc, có tính tương phản, nhưng hiệu quả còn thấp, âm hình trì tục, đơn giản. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm được sáng tác khá chắc tay trong bút pháp. Trong đó, có tác giả trẻ đã mạnh dạn viết theo ngôn ngữ phóng khoáng, kết hợp đa dạng, có động lực sáng tạo, tìm tòi, thể hiện tính độc lập, tự tin, tuy vậy hiệu quả chưa thực sự cao như tác phẩm Divergent (Chamber Orchestra).
Về thể loại như Hợp xướng, ca khúc nghệ thuật thì chủ yếu là đồng ca, khi là ca khúc có bè giai điệu chưa có chủ đề rõ ràng để phát triển. Một số tác phẩm cấu trúc không rõ ràng, với lối viết quá cũ, melodi cứng, tiết tấu đơn giản, thiếu cảm xúc (âm nhạc trên máy) rất khó có thể phát triển và tồn tại trong khí nhạc đương đại. Có một số tác phẩm đương đại nhưng chưa rõ về hình tượng âm nhạc, thiếu tính chuyên nghiệp. Một số tác phẩm cần điều chỉnh phần đệm Piano cho Romance và không cần phải thay đổi màu sắc của nhạc cụ khác trong tác phẩm. Một số tác phẩm Acapella chưa phát huy giọng hát của các bè là để hỗ trợ đan xen nhau, thay vào đó là dùng giọng hát thay cho phần đệm của nhạc cụ…
Đối với chương trình nghệ thuật biểu diễn DVD chủ yếu để phục vụ truyền hình, phóng sự truyền hình, chưa đúng tinh thần chương trình biểu diễn âm nhạc. Ngoài ra một số đề tài có tính dân tộc, đậm nét âm nhạc truyền thống, biết tìm tòi cái mới mẻ, có sự kết hợp khá tốt giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, biết kế thừa nguồn gốc âm nhạc cha ông, tiếp thu một cách có chọn lọc những bút pháp, những thành tựu của âm nhạc thế giới, nhưng còn hạn chế về hòa âm, phối khí, tạo hiệu quả với thể loại nhạc không lời.
Về thể loại Thanh nhạc, số lượng bài năm nay nhiều thể hiện hoạt động chuyên môn rất tích cực, tác phẩm ở nhiều đề tài khác nhau, ca ngợi Bác Hồ, quê hương đất nước, các chiến sĩ nơi hải đảo. Tuy nhiên lĩnh vực ca khúc thiếu nhi chưa có nhiều tác phẩm cần quan tâm hơn nữa.
Ngôn ngữ âm nhạc có nhiều ý tưởng sáng tạo, các nhạc sĩ có nhiều đầu tư cho tác phẩm của mình về phối khí, ca sĩ rất công phu, có hiệu quả cao, có nhiều tìm tòi sáng tạo mới trong ngôn ngữ âm nhạc cũng như đặt vấn đề về chủ đề và nội dung. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhạc sĩ đi theo lối sáng tạo cũ, chưa có tìm tòi mới trong sáng tạo nghệ thuật, một số tác phẩm phổ thơ chạy theo lời, hát thơ chưa có sự cô đọng, toát lên ý tưởng tư duy và ngôn ngữ âm nhạc của mình.
Về công trình Lý luận phê bình, số lượng công trình, tác phẩm dự thi còn ít hơn so với năm trước. Tuy nhiên có nhiều sách nghiên cứu, biên soạn và sưu tầm. Các bài báo chủ yếu là phê bình âm nhạc, không có bài báo về nghiên cứu lý luận. Chất lượng công trình tác phẩm dự thi đảm bảo tiêu chí xếp hạng, nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu, phê bình âm nhạc, giới thiệu di sản âm nhạc truyền thống, chân dung tác giả, tác phẩm…