Từ đảo Len Đao, trung sĩ Hồ Văn Bảo hướng đôi mắt về phía đảo Gạc Ma đang bị chiếm đóng trái phép. Bảo và những người lính trẻ khác, mặc cho "nắng bỏng da, mưa rát mặt", vẫn hiên ngang giữa biển trời, canh gác nơi đảo xa.
20 tuổi, quê ở Nghệ An, Hồ Văn Bảo - con út trong gia đình nên được bố mẹ thương yêu hết mực. Là lính mới nơi Trường Sa, những tháng ngày đầu ở đảo Bảo may mắn có các chú, các anh và đồng đội gắn kết, thương yêu, đùm bọc… giúp cậu vượt qua được khó khăn, nỗi nhớ nhà.
Bảo chia sẻ: "Một vài tháng đầu thì hơi bỡ ngỡ nhưng giờ thì quen rồi anh ạ! Trên đảo đã được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, huấn luyện, giúp cán bộ, chiến sĩ gần hơn với đất liền, với gia đình… Ngoài thời gian trực, tụi em chơi thể thao, đánh cờ, đọc sách báo và trồng rau xanh để tăng gia".
Phút chia tay, chúng tôi đứng trên mạn tàu nhìn xuống và vẫy tay chào Trường Sa, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Trên cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đồng thanh hô to "Trường Sa vì cả nước". Chúng tôi cũng đáp lại: "Cả nước vì Trường Sa".
"Tuổi trẻ rất đáng giá vì được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ bình yên cho đất nước. Ở nhà, bố mẹ tự hào về em lắm. Các anh chị về đất liền cho em gửi lời nhắn về với gia đình: Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Con cũng nhớ bố nữa" - trung sĩ Hồ Văn Bảo gửi lời từ đảo xa.
Bảo dẫn tôi đi thăm vườn rau xanh tăng gia của chiến sĩ trên đảo. Giữa muôn trùng sóng nước, khắc nghiệt của thời tiết nhưng rau mồng tơi, cải xanh, rau dền, rau muống… được các chiến sĩ trên đảo trồng trong chậu nhựa "đạp" nắng, gió vươn mình lên xanh tốt.
Ở Sinh Tồn Đông, chiến sĩ Hồ Văn Công (tròn 20 tuổi, quê Phú Yên) tâm sự rằng trước khi ra Trường Sa, cậu chưa từng đi đâu xa, nên ra đảo là quay quắt nhớ quê, nhớ nhà. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, cậu hiểu rằng mình phải gác lại nỗi nhớ ấy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Được khoác lên mình bộ quân phục Hải quân nhân dân Việt Nam là điều em tự hào nhất. Còn người, còn đảo, chúng em nguyện luôn chắc tay súng canh giữ nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc" - Công nói.
Cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới dội xuống, và những cơn gió mạnh ào ào thổi từ biển vào, tạt lên gương mặt can trường nhưng đôi mắt của chiến sĩ Tăng Mạnh Huy vẫn thường trực và chăm chú hướng ra phía sóng biển. Bồng súng đứng cạnh cột mốc trên đảo, dáng Huy hiên ngang, vững chãi, đầy niềm tin…
Trường Sa Lớn - thủ phủ của huyện đảo Trường Sa thẳm một màu xanh, kiêu hãnh như một pháo đài kiên trung giữa biển Đông. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, cũng đến lúc tôi được miết đôi chân trần vào bờ cát trắng. Ở Trường Sa, mùa biển động, nước ngọt, rau xanh, điều kiện sinh hoạt… trở thành những thử thách đối với lính đảo. Thế nhưng, gian khó chỉ là chất xúc tác cho tinh thần lạc quan.Ra thăm đảo Trường Sa, chúng tôi đều khâm phục ý chí, niềm tin, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Và thêm sự yêu thương khi thấy các cháu thiếu nhi vui đùa dưới tán lá bàng vuông, được nghe các cháu hát vang bài "Quê em ở Trường Sa". Những "công dân nhí" trên đảo Trường Sa Lớn với gương mặt thơ ngây, ánh mắt tinh khôi, nụ cười hồn nhiên, mang cái nắng, cái gió nơi biển khơi lên sân khấu biểu diễn đã gây xúc động lớn với không chỉ riêng tôi. Trong đêm giao lưu văn nghệ giữa thị trấn Trường Sa với đoàn công tác chúng tôi, các cháu vừa múa, vừa hát: "Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển…".