Sau lễ cúng tiễn ông Táo lên chầu Trời, các gia đình sẽ tất bật soạn sửa, mua sắm đồ chuẩn bị Tết. Đặc biệt, trong quan niệm của người Việt một nghi lễ quan trọng không kém các lễ cúng thần linh đó là rút tỉa chân hương.
Theo nhiều chuyên gia phong thủy, văn hóa cho biết, trong 1 năm thờ cúng, người ta thường ít động vào bàn thờ vì sợ ảnh hưởng đến mặt tâm linh. Ngày 23, ông Công ông Táo lên Thiên đình thì nhân việc ông đi vắng người dân tranh thủ dọn dẹp.
"Theo phong tục tập quán của người Việt Nam việc rút tỉa chân hương (nhang), dọn dẹp bàn thờ Thần Tài, Gia tiên có thể bắt đầu sau ngày 23 tháng Chạp tới 30 tháng Chạp.
Việc rút chân hương vào ngày nào còn tùy thuộc vào phong tục của địa phương, vùng miền, và điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình.
Ví dụ như, vì điều kiện hoàn cảnh công việc của cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều gia đình, đặc biệt các gia đình trẻ, lễ rút tỉa chân hương thường được làm vào ngày 29 hay 30 Tết.
Hay như nhiều gia đình ở miền Bắc vẫn thực hiện rút tỉa chân hương cùng vào dịp lễ cúng ông Công ông Táo", chuyên gia phong thủy cho biết.
Thời điểm bao sái dịp cuối năm nếu có điều kiện thời gian nên lựa các ngày Thiên Xá, ngày có Trực Trừ, hoặc các ngày có Thiên Tinh tốt đáo tới để tiến hành.
Theo chuyên gia phong thủy, có 3 ngày lựa chọn tốt nhất để rút tỉa chân hương năm 2024 như sau:
- Ngày 02/02 dương lịch (tức 23 tháng Chạp)
- Ngày 06/02 dương lịch (tức 27 tháng Chạp)
- Ngày 08/02 dương lịch (tức 29 tháng Chạp)
Chọn ngày đẹp với nhiều thiên tinh giúp thanh lọc không khí trường và làm tăng vượng khí cho ban thờ. Các ngày này cũng tối ưu hóa kết nối mong muốn và nguyện ước của gia đình.
Ngoài ra, một số chuyên gia phong thủy cũng cho biết, ngày 23 tháng Chạp (2/2/2024 dương lịch) - ngày Tư Mệnh Hoàng Đạo là lựa chọn tốt nhất để tỉa chân nhang và bao sái ban thờ. Ngày này, mặc dù tiễn Táo quân chầu trời, nhưng được coi là ngày thuận lợi cho nghi thức này. Nếu không thể thực hiện vào ngày này, có thể chọn một trong 3 ngày còn lại.
Trong trường hợp không thể sắp xếp vào các ngày này, quan trọng nhất là chọn giờ thuận lợi trong ngày khác để thực hiện bao sái.
Tuy nhiên, tâm linh và lòng thành kính đối với Phật thánh, Thần linh, và Gia tiên vẫn là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Tuân thủ quy trình và tránh các sai phạm là điều cần chú ý trong quá trình bao sái ban thờ.
Việc rút chân nhang không được tùy tiện, thích làm gì thì làm mà cần có văn khấn, thủ tục xin rút chân nhang để không làm ảnh hưởng tới bề trên cũng như cuộc sống của gia đình bạn nên bạn cần phải làm công việc này một cách tỉ mỉ và cẩn thận.
Theo chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Cung Hà việc tỉa chân hương, lau chùi bàn thờ được thực hiện thật cẩn thận để chuẩn bị đón năm mới.
Tùy theo tập tục địa phương có những nơi người ta đổ cái tro cũ trong bát hương để thay bằng tro mới, nhưng đa số người ta chỉ tỉa chân hương, lau chùi rồi tẩy uế sau đấy đặt nguyên như cũ.
Trong gia đình, ai cũng có thể rút chân nhang được, song nhiều gia đình cầu kỳ hơn còn chọn người để rút tỉa chân hương (nhang). Tuy nhiên, người được chọn tỉa chân hương phải là người có tâm thành kính nhất, chỉn chu, làm việc cẩn thận thì việc rút tỉa chân nhang sẽ trở nên tốt hơn, suôn sẻ hơn.
Trước khi thực hiện việc rút tỉa chân hương thì người được chọn cho công việc này nên tắm rửa sạch sẽ rồi mới thực hiện.