Bộ phim Mai của Trấn Thành ra rạp trong dịp Tết Giáp Thìn được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Bộ phim có sức hút lớn với khán giả với tỷ lệ lấp đầy phòng chiếu tốt, cũng như suất chiếu được tăng liên tục. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Trấn Thành xung quanh bộ phim Mai.
Từ thành công của Bố già và Nhà bà Nữ, anh có cảm thấy áp lực khi nhiều người nghĩ Mai sẽ phải mang về một con số doanh thu "khủng"?
- Tôi không áp lực về chuyện doanh thu mà chỉ quan tâm đến ở bộ phim tiếp theo, sẽ đem lại cho khán giả chủ đề gì. Bố già và Nhà bà Nữ tôi muốn hướng đến khán giả đại chúng, còn Mai sẽ là một câu chuyện gai góc hơn, bởi nếu nói về nhân vật Mai – không phải ai cũng sẽ tìm ra điểm tương đồng với cô ấy. Tôi nghĩ là một bộ phim thành công đôi khi không phải dựa trên doanh thu mà ở giá trị, yếu tố nghệ thuật đạo diễn gửi vào tác phẩm của mình.
Đã có những khán giả cùng cười nhưng cũng khóc vì Mai, vậy anh đã gửi gắm thông điệp gì cho bộ phim này?
- Có rất nhiều điều tôi muốn gửi gắm vào bộ phim, nhưng xuyên suốt vẫn sẽ là trong cuộc sống này, có những vạch xuất phát mà không ai cũng có thể lựa chọn. Thậm chí, những người có những vết sẹo, vết xước khó thể lành lặn từ quá khứ đau khổ, nhưng mọi người xung quanh hay xã hội có đủ vị tha để cho họ bước tiếp hay không. Tất cả đều được truyền tải qua hình ảnh người phụ nữ, họ xứng đáng được yêu thương nhiều hơn bởi phụ nữ sinh ra đã quá thiệt thòi rồi.
Nhiều người nói anh là đạo diễn hay dùng "người quen". Đó có phải là một trong những tiêu chí của anh?
- Câu hỏi này tôi cũng đã trả lời rất nhiều, cũng có người quen, nhưng có cả người mới nữa. Tôi cho rằng, khán giả xem phim sẽ hiểu được tại sao tôi lại chọn diễn viên như vậy, bởi họ diễn tốt và còn hợp với nhân vật. Như Tuấn Trần, tôi có quý Tuấn đến mấy, nhưng tôi chỉ mời Tuấn đóng nếu vai đó "bắt buộc" phải là cậu ấy. Tuy nhiên, nếu mình có những lựa chọn khác phù hợp thì tôi vẫn sẽ nghĩ tới bởi khán giả cần có những dư vị mới. Nhưng tất nhiên, tôi luôn cố gắng để nhân vật mình xây dựng khác biệt hẳn so với những phim trước.
Anh đã đầu tư và sáng tạo ra sao để khán giả cảm thấy Mai khác biệt so với Nhà bà Nữ và Bố già?
- Để mà nói sáng tạo ra sao, chắc phải nhờ tới khán giả cảm nhận, còn tôi chỉ muốn nói rằng, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào máy móc hiện đại nhất, cảnh quay, bối cảnh. Tôi cũng cố gắng tìm ra những góc máy tốt nhất, để có những cảnh quay đậm chất ngôn ngữ điện ảnh. Kịch bản hay diễn viên tôi cũng cố gắng xây dựng và lựa chọn chặt chẽ nhất có thể.
Anh nghĩ sao khi vẫn còn có những ý kiến nói rằng, phim Mai chửi tục hay văng bậy quá nhiều?
- Ngày xưa nhiều người xem thường thấy nhân vật hay bị "mỹ hóa", cảm giác không thật kể cả đó là những nhân vật giang hồ hay chợ búa. Thế nên, tôi chỉ cố gắng đưa vào phim của mình những chất liệu thực tế nhất có thể. Mong khán giả có thể thoải mái tâm lý với những điều đó.
Bận rộn với công việc đạo diễn như vậy nhưng tại sao anh vẫn tham gia một vai trong phim Mai?
- Tôi cũng không có ý định tham gia vào một vai trong phim Mai, nhưng do yêu cầu của nhà sản xuất, họ cho rằng dù sao tôi vẫn là một diễn viên và có lẽ phần nào đó khán giả vẫn đang chờ đợi sự xuất hiện của tôi trên màn ảnh.
Đạo diễn, diễn viên, biên kịch… nhiều vai trò như vậy, nhưng lý do gì khiến anh vẫn cố phải tự mình gồng gánh mọi thứ?
- Đôi khi tôi nghĩ chỉ có chính tôi mới biết bản thân muốn cái gì nhất, nên nếu có việc gì tôi cũng cố gắng làm trong khả năng của mình. Có lẽ trời sinh tôi ra theo chủ nghĩa hoàn hảo, nên tôi luôn cố gắng cầu toàn mọi thứ, từ kịch bản, diễn xuất, góc máy, âm nhạc… tôi đều tham gia, nhưng may mắn hơn là tôi còn có những cộng sự tài ba và nhờ có họ, tôi mới học được những kiến thức mà mình chưa biết.
Không biết sau phim Mai, anh còn đang ấp ủ một dự án nào khác?
- Tôi đang ấp ủ một dự án phim hài mà khán giả có thể cười từ đầu đến cuối mà không có giọt nước mắt nào. Nhưng dĩ nhiên, tôi làm phim phải có thông điệp trong đó, tôi không muốn khán giả cười không thôi xong đi về.
Nếu cần nêu quan điểm riêng về điện ảnh Việt thì anh sẽ muốn nói điều gì?
- Thị trường điện ảnh Việt Nam dù đang có những bước phát triển nhất định nhưng vẫn chưa thể theo kịp các nước bạn về kỹ thuật làm phim. Thế nên, chúng ta phải thực sự cầu tiến và đòi hỏi các nhà làm phim luôn phải trách nhiệm và yêu công việc mình làm để làm ra những phim chỉn chu chứ chưa nói tới là phim hay. Tôi cũng hy vọng sẽ có một ngày nước ta xuất khẩu được điện ảnh giống các nước khác.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!