Liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, dẫn số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, kết thúc năm học là 2022-2023 cả nước còn thiếu 118.000 giáo viên, làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua.
Qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội cho thấy, hiện tình trạng tinh giản biên chế cơ học cào bằng 10% với ngành đặc thù như ngành giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên đứng lớp.
Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi, trong khi việc tuyển mới là rất khó khăn, có nhiều người không tham gia dự tuyển; thậm chí có người khi trúng tuyển tại các khu vực này cũng bỏ việc, không nhận công tác ở những khu vực khó khăn như vậy.
Trước thực tế trên, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, có chế độ tiền lương tương xứng đối với nhà giáo; trước tiên là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy và học.
Có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng khó khăn thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi.
Việc đào tạo giáo viên sư phạm phải đáp ứng với yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng làm mất cân bằng giữa các ngành học, giữa các vùng, theo tinh thần ở đâu có trường, có lớp ở đó phải có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp.
Liên quan đến đề xuất xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ cũng đã có Tờ trình số 435/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong công tác giáo dục nói chung, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng.
Bên cạnh đó, thực trạng đội ngũ nhà giáo và việc quản lý đội ngũ nhà giáo đòi hỏi đổi mới quản lý, trên cơ sở một khung pháp lý thống nhất. Trong những năm gần đây, đội ngũ nhà giáo đã được quan tâm, nhưng thực tế vẫn còn không ít bất cập cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng nhà giáo.
Việc quản lý nhà giáo còn nhiều vướng mắc, bất cập như: chưa có đầy đủ quy định để quản lý nhà giáo ngoài công lập; việc coi nhà giáo ngoài công lập như người lao động bình thường và chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Lao động là không phù hợp;
Việc giao thoa giữa quản lý ngành và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ theo pháp luật hiện hành đã tạo ra những bất cập trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục theo Luật Viên chức còn nhiều khó khăn…
Các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, toàn diện, một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật. Tuy số lượng văn bản có nội dung quy định về nhà giáo nhiều nhưng các quy định này còn tản mạn, thiếu đồng bộ, bất hợp lý, chất lượng không cao.
Thực tế, mặc dù ở Việt Nam đã có Luật Viên chức và nhà giáo chiếm 70% tổng số viên chức toàn quốc, nhưng Luật Viên chức không thể đáp ứng đặc thù nhà giáo và không điều chỉnh đối với nhà giáo ngoài công lập.
Về Luật chuyên ngành, cả Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp đều có chương riêng về nhà giáo nhưng quy định còn chung chung, chưa phản ánh rõ nét tính chất và yêu cầu đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo.
Nếu cụ thể hóa nội dung nhà giáo trong Luật Giáo dục thì sẽ phá vỡ cấu trúc, mất cân xứng của các Luật này. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo chưa được thể chế hóa đầy đủ; một số quan hệ quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc quy định chung chung, mờ nhạt, chưa hình thành khung pháp lý đồng bộ và toàn diện trong việc nâng cao động lực và năng lực nhà giáo.
Đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi những quy định phù hợp: Nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác.
Do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đặt ra yêu cầu cần có môi trường làm việc, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp tạo thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyết với nghề; tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo, trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, mặc dù các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước, nhưng do chưa được luật hóa đầy đủ nên còn bất cập trong việc khắc phục tình trạng gia tăng người giỏi không muốn vào ngành sư phạm, nhà giáo bỏ việc.
Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo: Nhìn chung các quốc gia hiện nay đều ban hành Luật về nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cả công lập và tư thục, với tư cách là nguồn nhân lực chất lượng cao quan trọng của đất nước.
Có thể khái quát thành 3 mô hình cơ bản bao gồm: Xây dựng và ban hành Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo; Xây dựng một chương hoặc một quyển về nhà giáo trong Bộ Luật Giáo dục; Ban hành luật nhằm thể chế hóa một số chính sách đặc trưng của nhà giáo. Với xu hướng quốc tế hoá giáo dục, việc lựa chọn kinh nghiệm quốc tế phù hợp trong việc xây dựng chính sách và pháp luật về nhà giáo là cần thiết.