Theo kế hoạch của UBND TP.Hà Nội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục thủ đô được nghỉ Tết âm lịch 7 ngày, từ 8/2 đến hết ngày 14/2 (từ 29 tháng Chạp đến hết 5 tháng Giêng).
Với học sinh Hà Nội từ mầm non, tiểu học, THCS tới THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, lịch nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 8 ngày, từ ngày 7/2 đến hết ngày 14/2 (từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng âm lịch).
Như vậy, hết ngày hôm nay, học sinh Hà Nội sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Nhiều trường đã có những thông báo đến phụ huynh, dặn dò, giao bài tập Tết cho học sinh và cùng tổng vệ sinh trường lớp.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, cho hay: "Sáng qua, ngày 5/2, nhà trường đã dành buổi chào cờ đầu tuần để dặn dò cẩn thận, chu đáo tới học sinh toàn trường trước khi nghỉ Tết về đảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Hôm nay các lớp học chương trình bình thường. Cuối giờ chiều, giáo viên và học sinh sẽ dọn dẹp lớp, kiểm kê tài sản, niêm phong trước khi nghỉ Tết".
Trong khi đó, có trường cho biết đã quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 6/2 để tạo điều kiện cho các em về quê ăn Tết sớm hơn. Tại Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, ngay trong ngày 4/2 đã gửi thông báo: "Để tạo điều kiện cho thầy cô và học sinh về quê ăn tết sớm hơn, nhà trường đã thống nhất các con học hết thứ 2. Chiều các con sẽ ở lại muộn hơn để vệ sinh lớp". Đây là tin vui với nhiều học sinh và phụ huynh của trường.
Trong buổi học cuối cùng, học sinh đã ở lại dọn dẹp lớp và cô trò thực hiện nhiều video, chụp ảnh chúc mừng năm mới.
Học sinh lớp 7A2, Trường THCS Nguyễn Du làm clip tặng bố mẹ trong buổi học cuối cùng. Clip: NTCC
Trong dịp nghỉ lễ này, nhà trường yêu cầu cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng cháy nổ, an toàn giao thông. Trong ngày trực Tết, giáo viên có mặt đúng giờ, ghi chép đầy đủ nội dung buổi trực, thu dọn vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra tình hình sử dụng các thiết bị trong phòng trước khi bàn giao cho ca trực tiếp theo. Ngày 14/2, tức mùng 5 Tết, Ban giám hiệu, tổ văn phòng và bếp ăn sẽ kiểm tra cơ sở vật chất bán trú. Ngày 15/2, học sinh quay trở lại đi học bình thường.
Nhằm tuyên truyền giáo dục trẻ về ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam; Tạo không khí vui tươi phấn khởi chào đón tết cổ truyền của dân tộc, giúp trẻ biết chung tay, chia sẻ yêu thương với các bạn học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong trường, mới đây, Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, quận Ba Đình đã tổ chức chương trình "Xuân yêu thương – Tết chia sẻ".
Trong những năm học qua, Trường Mẫu giáo Hoa Hồng đều tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá nhằm tạo môi trường gắn kết cộng đồng trong công tác giáo dục, giúp học sinh được phát triển nhân cách hài hòa, toàn diện. Đặc biệt nhất là mỗi dịp Tết, nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các bé học sinh nghèo, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nhà trường.
Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, nhà giáo Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, quận Cầu Giấy, cùng đại diện giáo viên và học sinh khối chuyên Trung của trường đã có buổi thăm Đại sứ quán Trung Quốc và được ông Trịnh Đại Vĩ, Tham tán Giáo dục thân mật tiếp đoàn.
Nhân dịp này, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã trao tặng Đại sứ quán một cây Phật thủ, món quà mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Trái Phật thủ có phát âm gần giống từ "phúc thọ", lại mang hình dáng như bàn tay Phật, tỏa hương thơm tao nhã và màu hoàng kim khi chín. Vì thế, trong văn hóa tâm linh của cả người Việt và người Hoa, trái Phật thủ được coi là một vật đem lại điều may mắn, cát tường. Đặc biệt, người Trung Quốc còn ví phật thủ như một loại thượng phẩm trong các loại tiên quả, một loài kỳ hoa dị thảo. Vì thế, nhân dịp Tết đến xuân về, cô trò trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã gửi món qùa này như một lời chúc tốt đẹp tới các đại diện ở Đại sứ quán cũng như mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng.
Nhận được tấm lòng của cô trò, ông Trịnh Đại Vĩ, Tham tán Giáo dục, đã đánh giá cao tinh thần hữu nghị của nhà trường, đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành tới sự đón tiếp tiếp đón nồng nhiệt của Nhà trường đối với đoàn Đại sứ quán Trung Quốc tại Festival Tết 2024 vào ngày 1/2 trước đó.
Bên cạnh đó, ông Vĩ cũng hi vọng trong tương lai có thể xây dựng môi trường giao lưu giữa học sinh hai nước thông qua các hoạt động giảng dạy, liên kết văn hóa. Những hoạt động giao lưu này sẽ giúp học sinh Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội tìm hiểu và lựa chọn học tập tiếng Trung. Ông Trịnh Đại Vĩ khẳng định Đại sứ quán sẽ tạo điều kiện và cơ hội học tập, việc làm nhằm khơi gợi niềm đam mê và chắp cánh ước mơ du học Trung Quốc cho các học sinh Việt Nam.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam vẽ tranh, viết thơ và tặng cây cho Đại sứ quán Trung Quốc. Ảnh: NTCC
Trước những chia sẻ cởi mở của ông, nhà giáo Trần Thùy Dương bày tỏ trường sẽ quan tâm tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất có thể để thúc đẩy giao lưu với các cơ sở giáo dục đào tạo uy tín của Trung Quốc, mang đến cơ hội học hỏi nâng cao khả năng ngôn ngữ tiếng Trung cho học sinh khối chuyên Trung, đồng thời mong muốn làm cầu nối hưũ nghị giữa học sinh sinh viên và nhà giáo hai nước.
Qua lời động viên từ đại diện Đại sứ quán, em Vũ Việt Vương, học sinh lớp 11 Trung, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng chia sẻ sẽ học tập hết mình và cùng lan tỏa tình yêu tiếng Trung, niềm đam mê văn hóa Trung Quốc đến nhiều bạn học hơn nữa.