Dân Việt

Tết trên vỉa hè của những người vô gia cư

Mỹ Quỳnh 09/02/2024 21:18 GMT+7
Sống lang thang trên các tuyến đường, không có nhà để trở về sum họp ngày Tết, nhưng những người vô gia cư vẫn không thôi hy vọng.

Tết trên vỉa hè của những đứa trẻ

Theo ghi nhận của Dân Việt, dọc đường 3/2 (đoạn từ Việt Nam Quốc Tự đến Công trường dân chủ, quận 10, TP.HCM), hàng chục người vô gia cư ngồi rải rác theo nhiều nhóm nhỏ. Trong đó, người già, người trẻ, trẻ con đủ cả. 

Tại khu vực đối diện nhà hát Hòa Bình, chị H. (45 tuổi, quê Long An) tất tả quay về "nhà" để chuẩn bị đón giao thừa cùng các cháu. "Nhà" của chị H. và 5 đứa cháu là hai tấm thảm trải trên vỉa hè.

Tết trên vỉa hè của những người vô gia cư- Ảnh 1.

Những đứa trẻ ngủ ngon lành trên vỉa hè, mặc kệ thời khắc giao thừa đang đến gần. Ảnh: M.Q

Chị H. cho biết, trong số 5 đứa cháu, có 2 đứa là con của em trai ruột; 1 đứa là cháu của em dâu và 2 đứa là cháu ngoại. Em ruột chị H. bị bệnh về phổi, đang phải điều trị ở bệnh viện. Còn con gái ruột chị H. thì không may qua đời do Covid-19, để lại hai đứa cháu nhỏ (đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi).

Nhà cửa ở quê không có, tiền bạc cũng không, em trai thì phải thuốc thang từng ngày... Không có tiền thuê trọ, chị H. đứt ruột dẫn mấy đứa nhỏ ra đường ở. Vậy mà cũng đã mấy năm trôi qua, chị H. cùng mấy đứa nhỏ quen với cảnh màn trời, chiếu đất.

"Ban đêm, mấy bà cháu, bác cháu trải chiếu trước cửa hàng của người ta rồi ngủ. Ban ngày thì mấy đứa nhỏ dắt nhau vào chùa Việt Nam Quốc Tự hoặc nhà hát Hòa Bình chơi, hoặc xin tiền. Còn tôi đi giúp việc nhà, đi làm thuê để kiếm cơm", chị H. kể.

Tết trên vỉa hè của những người vô gia cư- Ảnh 3.

Những đứa trẻ vui mừng, phấn khích khi được tặng bánh. Ảnh: M.Q

Để có tiền lo cho cháu, chị H. làm đủ thứ việc. Khi thì giúp việc nhà theo giờ, lúc đi lượm ve chai. Ai kêu bốc vác chị cũng nhận luôn, miễn có tiền.

Về chuyện ăn uống, chị H. cho biết, thường thì chị sẽ đi mua cơm ký để cả nhà cùng ăn. Biết hoàn cảnh của chị, nhiều người dân cũng thường cho đồ ăn dư, nếu không có thì chị sẽ nấu các món đơn giản như trứng chiên, rau luộc, các khô chiên... Còn chuyện tắm rửa, giặt giũ, chị H. đưa các cháu đến nhà vệ sinh công cộng.

Trong 5 đứa nhỏ, chỉ duy nhất một bé gái được đi học ở trường Sơ. Những đứa trẻ còn lại lúc thơ thẩn ở góc đường này, khi lang thang ở con hẻm kia. Ai cho gì ăn đó, không có thì nhịn chờ chị H. đi làm về. Vào buổi tối, các cháu trải bạt ở vỉa hè ngồi đợi, đứa thức, đứa ngủ. Lâu lâu có người ghé lại cho bịch bánh hoặc ít tiền. Vào những ngày cận Tết, người đi làm từ thiện nhiều, những đứa trẻ và chị H. cũng thức khuya hơn để mong được giúp đỡ.

Tết trên vỉa hè của những người vô gia cư- Ảnh 4.

Đứa lên 3, đứa lên 5 tíu tít ăn Tết trên vỉa hè. Ảnh: M.Q

"Tết thấy người ta đi sắm sửa quần áo, mua hoa cúc, hoa mai; trẻ con thì xúng xính váy áo khắp các nẻo đường, tôi cũng thấy tủi thân và thương các cháu lắm. Tôi còn có ký ức về ngày Tết, còn mấy đứa nhỏ thì không. Tết của mấy đứa cháu vẫn như ngày thường, vẫn ở trên vỉa hè. Có điều, chúng tôi vui hơn vì có nhiều người tặng quà, tặng bánh, lì xì và động viên", chị H. chia sẻ.

Nói về ước nguyện ngày xuân, chị H. gượng cười cho biết, chị chỉ mong mình có đủ sức khỏe để kiếm tiền lo cho các cháu. Chị mong em trai mình nhanh khỏi bệnh, và cũng mong tương lai sẽ tốt hơn để các cháu có thể đến trường, đi học, thay đổi cuộc đời.

Mùa xuân hy vọng

Ngồi nhìn dòng người qua lại, ông T. (68 tuổi, ngụ Bình Dương) trầm tư, nghĩ về một năm trôi qua với bao thăng trầm. Ông cho biết, suốt 18 năm qua, ông sống dưới mái hiên nhà người khác. 

Tết trên vỉa hè của những người vô gia cư- Ảnh 5.

Người đàn ông chiêm nghiệm lại một năm đã qua và thầm hy vọng một năm mới bình an, thuận lợi. Ảnh: M.Q

"Ban ngày tôi chạy xe ôm, ban đêm tấp vào mái hiên nhà người ta để ngủ. Vì chỉ có một thân một mình, tiền bạc lại không có bao nhiêu nên tôi không đi thuê trọ. Ở vậy mà rồi cũng quen. Chỉ có những ngày mưa gió là cực thôi", ông T. nói.

Ông T. cho biết, dù đã gần 70 nhưng với ông, những ngày Tết vẫn rất đặc biệt. Dù cố gắng "lướt" qua, nhưng tận trong đáy lòng, những ký ức về ngày Tết, về mâm cơm sum vầy cùng gia đình, về những kỷ niệm... vẫn ngập tràn.

"Thấy người ta đi du xuân vui, tôi cũng vui theo. Người ta hay cầu mong hoặc chúc tụng nhau những điều tốt đẹp trong ngày đầu năm mới, chúng tôi cũng vậy. Dù ở lề đường, xó chợ, không nhà cửa để trở về, những người sống lang thang như chúng tôi vẫn gửi đến nhau lời chúc sức khỏe, cầu mong mọi người bình an", ông T. cười nói.

Tết trên vỉa hè của những người vô gia cư- Ảnh 6.

Ông L., bà P. vui vẻ chia nhau bịch ổi vừa nhặt được ở ven đường. Ảnh: M.Q

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, bà P. (64 tuổi, ngụ TP.HCM) và ông L. (68 tuổi, quê Khánh Hòa) cùng một bé trai lên 5 ngồi chia nhau bịch ổi mới nhặt được bên đường. Bé trai là cháu ngoại của bà P., ngoài bé này, bà vẫn còn 2 đứa cháu đang được gửi nhờ nơi khác để đi "kiếm cơm". Ông L. là bạn "cùng hội" của bà P.

Bà P. tâm sự, một mình bà đi bán vé số, nhặt ve chai để nuôi 3 đứa cháu nhỏ. Tuổi cao, sức yếu, chân lại bị sưng do đau khớp, bà cứ thế khập khễnh khắp nơi. Mỗi tờ vé số bán ra bà lời được 1.000 đồng, ngày nào may mắn thì kiếm được khoảng 200.000 đồng, còn không thì chỉ kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Dù vậy, ba đứa cháu đều được bà chăm sóc, xin cho học ở Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật (số 38 Tú Xương, phường Võ Thị Sáu, quận 3).

Tết trên vỉa hè của những người vô gia cư- Ảnh 7.

Những đứa trẻ ngủ ngon trên "căn nhà di động" đi đón giao thừa. Ảnh: M.Q

"Sáng tôi cho các cháu ăn sáng rồi chở đi học, sau đó tôi đi bán vé số, lượm ve chai. Chiều quay lại đón cháu, đưa về cho nghỉ ngơi, ăn uống. Tối tôi tiếp tục ra đường, đẩy chiếc xe đi bán vé số và nhặt nhạnh ve chai khắp nơi. Có người thương cho tiền, cho đồ ăn. Tôi cố gắng để các cháu có cơm ăn, có áo mặc, không bị tủi thân", bà P. nói.

Về phần ông L., rời quê vào TP.HCM đã mấy chục năm, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ông sống lang thang trên nhiều đoạn phố. Cũng giống bà P., ông làm mọi thứ để kiếm sống như quét dọn, vệ sinh nhà cửa thuê, nhặt ve chai... Bản thân ông L. đang bị huyết áp, cũng vài lần phải vào bệnh viện.

Nhắc đến Tết, ông L. đượm buồn cho biết, những năm đầu khi sống lang thang, ông tủi thân lắm. Thế mà rồi cũng quen, không còn buồn mà chỉ hy vọng.

"Năm nào tôi cũng hy vọng là mình sẽ khỏe mạnh hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Dù năm này qua năm khác, tôi vẫn đang ngồi ngoài đường, không có nhà để về, để sửa soạn ngày Tết... nhưng tôi vẫn hy vọng. Mùa xuân là mùa của hy vọng mà!", ông L. cười tươi nói.