Dân Việt

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"

Khánh Yến 08/02/2024 09:00 GMT+7
Hình ảnh cả nhà quây quần ngồi chõng tre gói bánh chưng, đi chợ hoa Tết, chăm chút chậu quất, đào... trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa" khiến nhiều người xem không khỏi xúc động.

Mới đây, họa sĩ 9X Trần Nguyên đăng tải loạt tranh mang chủ đề Tết của những ngày xưa do anh sáng tác. Các tác phẩm nhanh chóng nhận được nhiều lượt yêu thích, chia sẻ trên mạng xã hội khi tái hiện lại khung cảnh làng quê xưa, với những hình ảnh thân thuộc trong ký ức nhiều thế hệ. 

Tài khoản Hoàng Lan bình luận: "Những bức tranh khiến tôi nhớ ngôi nhà ngày trước, nơi tôi đã từng sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ, anh em". 

Tài khoản Vũ Anh chia sẻ: "Dù chưa từng được sống ở không gian như thế này, tôi vẫn có cảm giác bình yên, ấm áp đến kỳ lạ khi chiêm ngưỡng những bức tranh". Không ít ý kiến cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi làng quê giờ đổi thay, không còn vẻ thanh bình, mộc mạc xưa cũ.

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 1.

Họa sĩ Trần Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với PV Dân Việt, Trần Nguyên cho biết, bộ tranh Tết của những ngày xưa được anh vẽ từ năm 2020 tới thời điểm hiện tại. 

"Mỗi năm, tôi đều ưu tiên sáng tác những bức tranh về ký ức Tết cổ truyền, khung cảnh bình yên đón Tết nới làng quê xưa. Từ xưa tới nay, với người Việt, Tết Nguyên đán luôn là một ngày lễ thiêng liêng và quan trọng. Thời điểm ấy, con người dù làm việc hay sinh sống ở bất kỳ đâu cũng mong muốn trở về với cố hương, đoàn tụ bên mái ấm gia đình. 

Trong tâm thức của tôi, Tết chính là dịp đoàn viên, sum họp. Hình ảnh ông bà, bố mẹ cùng con cháu chuẩn bị mâm ngũ quả, sửa soạn cành đào, gói bánh dưới mái hiên tạo nên một không khí Tết không bao giờ phai mờ trong ký ức tuổi thơ tôi". 

Sau nhiều năm đi học, đi làm xa nhà, họa sĩ Trần Nguyên nhận thấy cuộc sống ngày càng phát triển, ký ức Tết xưa dường như dần mai một, trong khi Tết nay không để lại nhiều kỷ niệm: "Những ký ức xưa cũ vẫn luôn còn trong tâm khảm tôi. Cũng chính từ sự tiếc nuối này, trong tôi luôn sôi trào và mong muốn vẽ lại những hoài niệm đó. Mỗi một nét bút hiện lên tranh cũng là những kỷ niệm, những câu chuyện mà tôi muốn kể đến người xem".

Theo họa sĩ sinh năm 1990, để sáng tác được một tác phẩm đẹp và ý nghĩa, mỗi người sẽ chọn cho mình một cách thể hiện, một lối vẽ độc đáo riêng. Với anh, điểm đặc sắc trong các bức tranh chính là phần nhiều anh vẽ ra từ chính những ký ức của bản thân, những kỷ niệm mà anh từng trải nghiệm. 

Ngoài ra, để có thêm những góc nhìn phong phú, anh cũng dành không ít thời gian đi trải nghiệm thực tế, tìm tòi tư liệu trong cuộc sống, trên internet... Đặc biệt, anh thường chăm chú lắng nghe các ông bà, cô chú kể lại những câu chuyện xưa của chính họ. Từ đó, anh kết nối lại và vẽ ra được những hình ảnh mà mình mong muốn.

Họa sĩ Trần Nguyên thổ lộ: "Qua những tác phẩm, tôi vui vì phần nào tái hiện, lưu giữ lại những giá trị truyền thống của ngày Tết, nét đẹp văn hóa xưa. Tôi cũng mong muốn đưa những kỷ niệm, ký ức này đến thế hệ trẻ thời nay, để họ thấy được vẻ đẹp của Tết xưa thông qua tranh, hay những người đã từng trải khi nhìn tranh có thể tìm về tuổi thơ của mình. Qua đó, họ thêm trân trọng từng giây từng phút bên gia đình cùng những người họ yêu thương, để tác phẩm là món quà chung đầy ý nghĩa cho tất mọi người. 

Tôi rất hạnh phúc khi được vẽ về những ký ức. Theo thời gian, tôi sẽ ghép dần những mảnh ký ức lại với nhau thành một mảng xuyên suốt. Từ đó, tôi có thể chung tay bảo vệ, bảo tồn những nét đẹp văn hoá của người Việt thông qua hội hoạ".

Một số bức tranh trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa" của họa sĩ Trần Nguyên:

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 2.

Bức tranh "Tết quê".

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 3.

Bức tranh "Tết đoàn viên".

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 4.

Bức tranh "Chợ Tết".

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 5.

Bức tranh "Tết quê nhà".

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 6.

Bức tranh "Chào xuân".

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 7.

Bức tranh "Hương vị ngày Tết".

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 8.

Bức tranh "Hương vị Tết".

Người xem xúc động trước khung cảnh bình yên trong bộ tranh "Tết của những ngày xưa"- Ảnh 9.

Bức tranh "Ngày cuối năm".

Họa sĩ Trần Nguyên sinh năm 1990 tại tại Xuân Trường (Nam Định). Anh từng học ngành Thiết kế mỹ thuật (Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), sau đó đảm nhiệm vị trí đồ họa tại công ty game của Nhật Bản. Hiện tại, anh là họa sĩ tự do, có nhiều bộ tranh nổi tiếng về làng quê, được đông đảo người xem yêu thích, chia sẻ.

 Tranh: NVCC