Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều gia đình thường quây quần bên nhau ăn uống, chúc Tết nhau. Lẩu cũng là món được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc trời rét thì lẩu là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Ai cũng quan niệm ăn lẩu sẽ đỡ lạnh hơn.
Chị Mai Liên (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào dịp gần cuối năm hay ngày Tết thay vì các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, thịt đông… thì gia đình chị lại thích quây quần bên nhau cùng ăn lẩu. Các loại rau như rau cần, rau muống… là ưu tiên hàng đầu.
"Ngày Tết ăn thịt nhiều cũng ngán nên gia đình tôi thường nấu lẩu cùng ngồi ăn với nhau. Tết chỉ thích ăn đồ nước ấm, nhiều rau là thích thôi", chị Liên chia sẻ.
Cũng như các gia đình khác, gia đình anh Tuyến (Mễ Trì, Hà Nội) chọn chiêu đãi người thân và một số đồng nghiệp thân thiết bằng món lẩu. "Tôi cũng bàn bạc với vợ làm món ăn đơn giản, nhẹ nhàng và không cần quá bày vẽ, chuẩn bị ít thịt bò, rau sống, rau cần, rau muống để nhúng kèm là được", anh Tuyến cho hay.
Trước nhu cầu liên hoan cuối năm, ngày Tết, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, thời tiết lạnh những ngày Tết này rất thích hợp cho việc mọi người tụ tập, ăn uống và nhiều người cũng thường chọn lẩu cho dễ ăn và ấm nóng.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, với các loại rau thuỷ sinh (rau muống, rau ngổ, rau cần, diếp cá…) khi ăn không được nấu chín hoặc ăn lẩu chỉ nhúng qua thì ấu trùng cũng sẽ không bị tiêu diệt. Người ăn vào không chỉ nhiễm trứng giun mà còn có khả năng nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.
"Việc rửa rau qua loa khó loại bỏ ấu trùng. Do vậy, khi ăn rau không được rửa sạch, không được nấu chín đảm bảo sẽ có nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn và trứng giun đũa, giun móc", ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, sán lá gan lớn có thể gây ra những ổ áp-xe trong gan và ấu trùng có thể đi khắp cơ thể người gây ra tổn thương và các tổ áp-xe ngoài gan ở nách, cơ thành bụng, đầu gối, đùi, bắp chân…
Trưởng khoa Ký sinh trùng cũng nhấn mạnh, với các loại trứng giun bám trên bề mặt có thể rửa dưới vòi nước để trôi sạch trứng, thay vì rửa trong chậu và ngâm nước muối. Với ấu trùng của sán lá gan lớn cũng khó xử lý sạch, do vậy cáchphòng ngừa vẫn là nấu chín, ăn chín.
Để phòng sán lá gan, các bác sĩ khuyến cáo người dân bỏ thói quen ăn đồ tái, sống. Các quan niệm ăn đồ sống cho mát là không đúng mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Thay vào đó, cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội…
Thường theo thói quen, các bà nội trợ của các gia đình thường rửa các loại rau, quả ăn sống bằng cách dùng muối để ngâm, nhằm loại bỏ tạp chất, vi khuẩn và diệt giun sán…
Theo TS.BS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ngâm rau sống vào nước muối loãng không tiêu diệt hay làm chết giun sán, nhưng việc này vẫn có tác dụng nhất định, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Trên thực tế, đa số người dân ngâm rau với nước muối loãng, sau đó vớt trực tiếp rau lên. Đây là cách thực hành sai, do trứng sán (nếu có) nổi lên mặt nước sẽ lại bám vào rau, khi ăn vào vẫn có nguy cơ gây bệnh.
Với các loại rau trên cạn như xà lách, mùi, húng, bác sĩ Thọ cho biết, nên rửa dưới vòi nước chảy để trứng giun sán nếu có sẽ trôi đi, sau đó ngâm rau với nước muối loãng. Dưới tác dụng của nước muối, trứng sán sẽ nổi lên, do đó trước khi vớt rau, bạn phải dìm rau xuống, đổ nước đi, trứng giun sán sẽ trôi theo nước.