Không chỉ sinh trưởng trong gia đình đặc biệt khi có tới 8 anh chị em đều là Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn có hai người con rất thành đạt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu và Tiến sĩ Nguyễn Kim Nữ Thảo, các cháu của ông cũng rất lễ phép và học giỏi.
Nhân dịp đón xuân Giáp Thìn, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về quan điểm dạy con trong thời đại mới, điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều vô cùng quan tâm, đó là làm thế nào để khi những đứa trẻ lớn lên đều trở thành người tử tế, trở thành những công dân tốt, luôn sẵn sàng đóng góp tích cực cho xã hội.
Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ông có quan điểm giáo dục thế nào đối với con cái trong gia đình?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Vợ chồng tôi quan niệm, dạy con vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm. Tôi đặt tên hai con của mình là Hiếu và Thảo cũng là cách gửi gắm điều chúng tôi mong mỏi nhất ở hai con là lòng hiếu thảo.
Việc dạy con, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh mỗi khác, thật khó để nói về tất cả. Tuy nhiên, gia đình tôi thì có quan điểm cha mẹ phải là tấm gương tốt để giáo dục con cái. Anh chị em tôi trưởng thành cũng nhờ gương của bố mẹ.
Bố tôi xuất thân từ gia đình nông dân ở vùng quê nghèo, thậm chí ông bà nội tôi còn không biết chữ, nhưng bố tôi rất chịu khó học tập. Ngay cả khi 95 tuổi rồi, bố tôi vẫn miệt mài chịu khó lao động khoa học.
Còn mẹ tôi là tấm gương lao động tần tảo, những ngày đi tản cư, bố tôi dù là Giám đốc giáo dục Liên khu 10 nhưng ông không có lương, chỉ được vài chục cân gạo. Một phần ông để lại cho mẹ tôi nuôi đàn con, một phần ông phải dùng cho bản thân đi công tác.
Trong khó khăn đó, mẹ và chị gái tôi cũng đã rất tần tảo nuôi anh em chúng tôi. Dù từng là tiểu thư “lá ngọc cành vàng” nhưng mẹ tôi sẵn sàng đón nhận mọi khó khăn. Tôi nhớ mãi lời mẹ nói khi đi buôn lúc tản cư: “Cả buổi hôm nay chỉ lãi chút cám này thôi”.
Tấm gương của cha mẹ đã giúp chúng tôi luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Và, tôi luôn noi gương cha mẹ để giáo dục con cháu, trước hết là về tư cách, đạo đức và chăm chỉ lao động. Đồng thời phải thực sự quan tâm đến từng bước đi của con cháu, làm bạn, động viên nhắc nhở con cháu về những điều hay lẽ phải, tạo mọi điều kiện tốt nhất về học hành, vui chơi.
Quan điểm của tôi là tuyệt đối không đánh mắng, không nặng lời, mà cần kịp thời động viên trước mỗi thành công dù nhỏ của con cháu. Cố gắng để các con, các cháu có cuộc sống vật chất không quá khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Chúng tôi mua các sách báo phù hợp để các con tự bồi dưỡng thêm trí thức và tình cảm, quan tâm đến việc chọn bạn của các con. Cả hai con đều có những người bạn rất thân từ thời học tiểu học. Chúng tôi xây dựng tủ sách gia đình với đủ các sách công cụ như từ điển, sách tra cứu, sách khoa học chuyên ngành, sách văn hóa, nghệ thuật, nữ công, gia chánh. Các tường trong nhà đều là giá sách và đó là tài sản rất có ích cho mọi thành viên của gia đình. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các cháu về sự kính trọng với thầy cô.
Con cháu là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống. Không gì hạnh phúc bằng việc con cháu khỏe mạnh, trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc.
Nhiều bậc cha mẹ thường than thở rằng con cái bướng bỉnh, theo Giáo sư thì đâu là nút thắt cần tháo gỡ?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Hiện nay, tôi vẫn đi nói chuyện với học sinh về hai chủ đề: Hiếu học và hiếu thảo với học sinh bậc Trung học cơ sở và khởi nghiệp trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0 với học sinh bậc Trung học phổ thông.
Khi tôi nói về chuyên đề hiếu học và hiếu thảo, các em rất yêu thích và kể những câu chuyện cảm động, trong đó có cả những tình huống bố mẹ có vẻ chưa hiểu các em. Do vậy, tôi cho rằng những đứa trẻ bướng bỉnh là những đứa trẻ có cá tính. Quan trọng bố mẹ cần dành thời gian làm bạn với các con, như vậy con trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ suy nghĩ thật và qua đó sẽ phân tích cho con biết những điểm đúng, sai.
Tôi nghĩ rằng, không nên đặt các con vào khuôn khổ một cách máy móc, bởi vì như vậy chúng lại càng có thể phản ứng, thể hiện ra bằng sự bướng bỉnh nhiều hơn. Ngay trong chuyện hướng nghiệp cũng vậy, tôi đã nói rằng, các vị phụ huynh hãy tôn trọng quyết định của con em mình. Chúng sẽ tự chịu trách nhiệm về việc chọn nghề. Tất nhiên, vẫn cần có những lời khuyên nhưng đừng quyết định thay cho con cái.
Chọn nghề là quyết định quan trọng của cả cuộc đời, phải có yêu thích, đam mê, không thể chỉ chọn học một ngành cho dễ xin việc do ảnh hưởng của cha mẹ. Vợ chồng tôi đều tôn trọng việc lựa chọn nghề của các con. Tôi nhớ lúc Lân Hiếu đã thi đỗ cả ba trường đại học, con tự chọn ngành y vì thấy bà nội, bà ngoại đều rất đau đớn bởi các căn bệnh hiểm nghèo, vì vậy muốn trở thành bác sĩ để giúp cho người thân và cộng đồng. Còn Nữ Thảo theo ngành Sinh học là tiếp nối đam mê của bố vì nhiều lần đến thăm phòng thí nghiệm của bố thấy việc nghiên cứu vi sinh vật học cũng rất thú vị. Tôi tôn trọng quyết định của các con!
Có lẽ dù chọn ngành nghề nào đi chăng nữa thì điều quan trọng hơn cả là mỗi đứa trẻ khi trưởng thành cần được sống và làm việc đúng với đam mê thật sự, phát huy được giá trị của bản thân, qua đó mới có được nhiều đóng góp ý nghĩa với cộng đồng?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Đúng vậy! Cha mẹ nên chọn cho con môi trường học tập tốt nhất trong khả năng để chúng phấn đấu và phát huy. Tôi chỉ lưu ý rằng, điều quan trọng các bậc cha mẹ cần ghi nhớ là hãy luôn ở bên động viên các con những lúc chúng gặp khó khăn, đó là điểm tựa rất quan trọng giúp các con khơi dậy đam mê và khát vọng, đạt được những thành tựu quan trọng cả trong học tập và lao động.
Trở lại với câu chuyện bàn về sự tử tế, chắc hẳn là điều mà mọi bậc cha mẹ đều mong muốn khi con cái trưởng thành và như tôi đã nói từ đầu là người lớn cần phải làm gương, nói thật và làm thật. Các bậc cha mẹ hãy cùng con làm thật nhiều việc tốt với người thân trong gia đình, với cộng đồng, với những số phận kém may mắn… gieo cho con lòng trắc ẩn từ khi còn tấm bé và nuôi dưỡng tình yêu thương ấy cho tới lúc trưởng thành.
Trân trọng cảm ơn chia sẻ của Giáo sư!