Dân Việt

Tết Nguyên đán, người Cao Lan dán giấy đỏ khắp nhà, vườn tược, dụng cụ lao động

Hoan Nguyễn 09/02/2024 20:44 GMT+7
Cứ mỗi dịp đón Tết Nguyên đán, ngôi nhà của người dân tộc Cao Lan ở Phú Thọ lại được nhuộm sắc đỏ rực rỡ. Từ cái cuốc, cái cày, cái xẻng, con dao, xoong nồi, đến chuồng trại, cây cối quanh nhà và bàn thờ tổ tiên đều được dán giấy đỏ.

Mọi vật trong nhà được "nghỉ Tết"

Tại huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) hiện có khoảng 6.000 người dân tộc Cao Lan, sinh sống chủ yếu ở các xã Ngọc Quan, Hùng Long, Yên Kiện, Minh Phú, Tây Cốc và Vân Đồn. Cũng như các dân tộc khác, người Cao Lan ở Đoan Hùng có nhiều phong tục truyền thống mang bản sắc riêng, trong đó có tục đón Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán, người Cao Lan dán giấy đỏ khắp nhà, vườn tược, dụng cụ lao động- Ảnh 1.

Những ngày cuối năm, mọi người Cao Lan đều tất bật với công việc chuẩn bị đón Tết. Bánh chưng là món ngon, truyền thống không thể thiếu được của mỗi gia đình. Với người Cao Lan, bánh chưng còn làm quà biếu để đi lễ tết họ hàng nội ngoại. Ảnh: Thanh Hòa

Tết Nguyên đán của người Cao Lan ở Phú Thọ thường bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, gia chủ đều thắp một nén hương thơm lên bàn thờ để mời tổ tiên về ăn Tết, đón xuân cùng con cháu.

Ngày 30 Tết là ngày mang ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trong tín ngưỡng của người Cao Lan. Vào ngày này, người Cao Lan dậy vào lúc sáng sớm để lau dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó tiến hành "Chí dịt" - tục dán giấy đỏ trong nhà.

Tết Nguyên đán, người Cao Lan dán giấy đỏ khắp nhà, vườn tược, dụng cụ lao động- Ảnh 2.

Ông Hà Văn Hải (người dân tộc Cao Lan, ở khu Đồng Bích, xã Hùng Long) tiến hành khâu chuẩn bị, cắt giấy đỏ. Ảnh: Thanh Hòa

Theo đó, khắp mọi nơi trong nhà đều được "niêm phong" giấy đỏ. Từ cối xay, cối giã gạo, cuốc, xẻng, con dao, cái cày, cái bừa; đến cổng ngõ, cửa ra vào, cây cối, chuồng trại quanh nhà; rồi lên bàn thờ tổ tiên đều được dán giấy đỏ để mọi vật trong nhà được "nghỉ Tết". Toàn bộ ngôi nhà bỗng trở nên rực rỡ, tràn đầy sinh khí đón năm mới.Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ là một vật thể hiện điềm may mắn, tượng trưng cho năm mới tốt lành, nhiều tài lộc sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống, mùa màng bội thu, giúp gia chủ xua đuổi tà ma, cây trồng không bị chim, thú, sâu bọ phá hoại.

Giữa trưa ngày 29 tháng Chạp, nhà ông Hà Văn Hải (khu Đồng Bích, xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) nhộn nhịp tiếng nói cười của con cháu. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng những công việc tỉ mỉ chuẩn bị cho tục dán giấy đỏ lên đồ vật quanh nhà vẫn do ông Hải đảm nhiệm.

Tết Nguyên đán, người Cao Lan dán giấy đỏ khắp nhà, vườn tược, dụng cụ lao động- Ảnh 3.

Mỗi dịp đón Tết Nguyên đán, các gia đình dân tộc Cao Lan đều dán giấy đỏ khắp mọi nơi trong nhà. Ảnh: Thanh Hòa

"Với người Cao Lan, việc dán giấy đỏ lên đồ vật trong nhà như một nét văn hóa độc đáo, được người cao tuổi trong mỗi gia đình thực hiện. Máy xới đất, máy tuốt lúa, bếp điện, chiếc tủ lạnh, tivi, lò vi sóng… đều được chúng tôi dán giấy đỏ vào dịp Tết. Với chúng tôi, giấy đỏ mang đến nhiều may mắn, làm ăn phát đạt và giấy đỏ cũng bảo vệ đồ vật trong gia đình, khẳng định với khách đến chơi nhà – đây là đồ vật sở hữu của gia chủ…" - ông Hải cười tươi nói.

Cũng theo ông Hải, cứ đến 30 Tết là mọi gia đình đều sắp xếp nồi niêu, dao, kéo ngay ngắn và để một đôi bánh chưng vào đó. Sau đó, gia đình thắp một nén nhang để cảm ơn những đồ dùng này vì đã có công với gia đình sản xuất ra nhiều sản phẩm trong một năm; nhắn nhủ cùng nhau đồng hành cho năm mới sản xuất nông nghiệp cho mùa màng bội thu, buôn may bán đắt…

Điệu Sình ca không thể thiếu trong dịp lễ Tết của người Cao Lan

Vào chiều 30 Tết, các thành viên trong gia đình người Cao Lan lại tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Tùy theo từng dòng họ mà mâm cơm dâng lên tổ tiên cũng có những hình thức khác nhau. Nhưng có một thức không thể thiếu được là thủ lợn hoặc gà trống.

Tết Nguyên đán, người Cao Lan dán giấy đỏ khắp nhà, vườn tược, dụng cụ lao động- Ảnh 4.

Ông Hải cẩn thận dán giấy đỏ lên từng dụng cụ lao động với nhắn nhủ cho năm mới đồng hành tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Thanh Hoà

Gà cúng tổ tiên phải được chọn lựa kỹ từ 2, 3 tháng trước với các yêu cầu khắt khe như: Chân vàng, lông mượt, không quá non cũng không quá già và đặc biệt là phải rất "sạch sẽ" (chưa biết đạp mái).

Sáng sớm ngày mồng 1 Tết, già làng cùng các bậc cao niên trong làng làm mâm cỗ thịnh soạn để cúng lễ Thành hoàng tại đình làng gọi là lễ "Cầu Dềnh". Già làng sẽ đại diện cho làng khấn Thổ công và xin âm dương cho cả làng được vạn sự tốt lành, mùa màng tốt tươi, mưa hòa gió thuận. Còn các gia đình sẽ cúng tổ tiên tại nhà mình, mời tổ tiên ăn cỗ mừng năm mới và xin tổ tiên phù hộ cho con cháu, cho dòng tộc được hưởng sự tốt lành.

Sau khi cúng gia tiên, cả nhà quây quần bên mâm cỗ, con cháu mừng tuổi cho ông bà, trẻ nhỏ. Sau đó, chủ nhà và các con trai lớn đi chúc Tết các gia đình trong thôn bản, còn các bà, các chị thì ở nhà làm cơm đón khách và vui tết tại nhà mình. Phải đến ngày mồng 2 Tết trở đi, các bà, các chị mới được đi chúc Tết xóm làng.

Tết Nguyên đán, người Cao Lan dán giấy đỏ khắp nhà, vườn tược, dụng cụ lao động- Ảnh 5.

Các bà, các mẹ, các chị người dân tộc Cao Lan ở huyện Đoan Hùng những ngày giáp Tết cũng tất bật, rộn ràng diện bộ trang phục truyền thống tập tiết mục văn nghệ hát Sình ca. Ảnh: Thanh Hòa

Những ngày này, từ các nẻo đường, ngõ xóm, màu áo chàm sẫm với những chiếc thắt lưng đẹp như hoa rừng khoe sắc thắm rực rỡ trong gió xuân. Và hội làng chỉ được tổ chức từ ngày mồng 2 Tết trở đi với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo và không thể thiếu làn điệu Sình ca.

Nội dung các bản Sình ca đề cập từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu lao động. Những câu hát được tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, từ gia đình nọ sang gia đình kia, từ sáng sớm tới tận đêm khuya.

Với người Cao Lan, từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ, qua dán giấy đỏ quanh nhà và qua câu hát Sình ca.

Đây cũng chính là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Cao Lan ở Đoan Hùng trong mỗi độ tết đến xuân về. Nét đẹp văn hóa truyền thống đó được bà còn nơi đây luôn trân trọng giữ gìn để lưu truyền cho con cháu mai sau.