Khai bút đầu năm được gọi là khai bút đầu xuân, là việc cầm bút viết những nét đầu tiên trong năm mới. Đây là một phong tục truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn băn khoăn không biết khai bút nên viết chữ gì, vào giờ nào tốt.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay: "Khai bút là một việc rất có ý nghĩa vào dịp năm mới bên cạnh các phong tục khác như chúc Tết, xông nhà, lì xì...
Có nhiều cách khai bút. Theo truyền thống ngày xưa, khai bút sẽ bắt đầu bằng việc mài mực rồi viết một câu chúc Tết hoặc một bài thơ. Sau này mực có sẵn thì việc khai bút thuận lợi hơn. Người viết chữ đẹp còn thích mở màn cuốn sổ mới. Thậm chí, trong cuộc sống hiện đại, việc khai bút không nhất thiết phải cầm bút mà chúng ta có thể gõ trên máy tính một đoạn văn hoặc câu nói hay.
Khai bút cũng có thể là bạn hứng thú đọc trang sách nào đó trong quyển sách yêu thích. Mỗi cách khai bút chỉ là biểu trưng, biểu tượng, kỳ vọng cho năm mới học hành tốt hơn, công việc thuận lợi hơn".
Theo TS Phạm Văn Tuấn, giao thừa được xem là giây phút thiêng liêng nhất khi kết thúc năm cũ, mở ra một năm mới với những cơ hội mới, niềm tin mới, sinh khí mới. Bằng chứng là sáng mùng 1 Tết thường có mưa lun phun, hơi lạnh. Giao thừa với trẻ nhỏ là sự háo hức, mong đợi. Với người lớn, giao thừa là lúc suy nghĩ về quá khứ, nhìn về tương lai. Dù già hay trẻ thì giao thừa luôn muốn thắp một nén hương và làm một điều gì đó ý nghĩa. Vì vậy, với nhiều người, khai bút thường đặt vào đêm giao thừa.
Tuy nhiên, có người lại chọn khai bút vào ngày mùng 4 hoặc mùng 6, sau 3 ngày Tết. Tùy theo cảm hứng, cách lựa chọn của từng người để mong mang năm mới nhiều thành công, thuận lợi.
Chia sẻ về chủ đề khai bút đầu năm, TS. Lê Văn Cường, Phó Trưởng khoa Văn Học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Trước hết như chúng ta đã biết, chữ Hán du nhập vào Việt Nam tồn tại suốt cả hàng nghìn năm thời Bắc thuộc. Đến năm 1919, Việt Nam chấm dứt khoa cử, chữ Hán không còn được sử dụng như một thứ văn tự chính thống mà thay vào đó là chữ Quốc ngữ. Mặc dù vậy, chữ Hán vẫn trường tồn đến tận ngày nay bởi lẽ trong tiếng Việt sử dụng hàng ngày có đến 80 % là từ Hán Việt.
Việc khai bút được định hình cùng với sự phát triển của chữ Hán, nhưng có lẽ mỹ tục này được ra đời sau khi chữ Hán đã trở thành văn tự chính thống và khi Nho giáo ăn sâu vào gốc rễ của người dân Việt Nam. Một điểm quan trọng nữa là xuất phát từ tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt.
Khai bút đầu năm nên xin những chữ phù hợp với nguyện vọng, là động lực để người xin chữ nương theo đó mà nỗ lực vươn lên. Các bạn trẻ có thể xin những chữ chủ về học hành như: CHÍ, TRÍ, MINH, TUỆ, ĐẠT, THÀNH...; chủ đề tu dưỡng như ĐỨC, NHÂN, NGHĨA, LỄ, NHẪN... Ngoài ra, ngày nay việc xin chữ và cho chữ bằng tiếng Việt cũng được đề cao.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà văn hóa học, cho biết ông rất tâm đắc với hai chữ "Bản lĩnh" và sẽ chọn chữ này để khai bút đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Theo giáo sư, con người Việt Nam rất cần bản lĩnh riêng. Lâu nay, chúng ta đang phát huy tốt bản lĩnh tập thể, tính cộng đồng làng xã, những người quen biết, gắn kết với nhau, song, đứng dưới góc độ cá nhân lại phai nhòa.
Khi xã hội ngày một hội nhập, cuộc sống càng năng động, con người phải di chuyển chứ không ở một chỗ bó hẹp trong làng xã hay quy mô nhỏ nữa, vì thế, bản thân mỗi người phải bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh.
Với thói quen làm việc hàng ngày, GS Trần Ngọc Thêm cho biết sẽ khai bút ngay vào sáng mùng 1.