Tiêu thụ cả tấn thịt chó vào đầu năm mới
Làng Yên Trường (nay chia thành 4 thôn) thuộc xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội từ xưa tới nay đã nổi tiếng với tục lệ ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán. Chẳng ai biết tục lệ này có từ bao giờ, người dân chỉ biết nó đã có từ thuở còn là trẻ con, cứ vậy truyền nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác, cho đến tận bây giờ.
Gặp gỡ người dân nào trong làng, đặc biệt là các cụ ông, cụ bà ở tuổi thất thập, họ đều kể từ khi sinh ra làng đã có tục lệ ăn thịt chó vào ngày Tết. "Tục lệ này đã có từ rất lâu, từ khi tôi còn nhỏ đã thấy ông bà, bố mẹ và cả dân làng ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết. Đến nay, tục lệ này vẫn còn", bà Nguyễn Thị Năm (72 tuổi, thôn Yên Trường 2) chia sẻ.
Được biết, cứ sáng mùng 4 Tết hằng năm, dân làng Yên Trường cùng nhau đi tảo mộ. Vào ngày này, đường đi "thăm đồng" lại tấp nập, đông đúc, tiếng nói chuyện vang cả một vùng. Sau khi việc sửa soạn, chăm lo phần mộ của các cụ xong xuôi, con cháu trong mỗi họ lại kéo nhau về một nhà ăn cỗ, có món thịt chó.
Theo lời cụ Năm, mùng 4 Tết tại thôn Yên Trường đông như trẩy hội. Từ đầu làng, mùi rựa mận, riềng sả tỏa mùi khắp xóm, ai đi qua cũng nhận ra người trong thôn đang mở "hội" Tết.
"Ở đây ăn theo từng họ, có nghĩa là nhiều gia đình cùng trong dòng họ gộp lại. Thế nên trước đó phải gọi điện đặt hàng trước. Cả làng có đến hơn nghìn hộ dân, đầu năm ăn cả tấn thịt chó là điều bình thường", bà Hoàng Thị Hà (71 tuổi, thôn Yên Trường 2) cho biết.
Người dân trong thôn đều đã quen với tục lệ này. Từ người già đến trẻ nhỏ đều ăn thịt chó. "Bình thường người ta hay kiêng, nhưng tại thôn Yên Trường này thì không. Cứ đến Tết là phải ăn thịt chó, đã thành cái lệ rồi. Từ đời này qua đời khác đều làm theo", bà Hà nói thêm.
Chính vì vậy, thịt chó vào ngày Tết có giá khá cao, từ 170.000 – 200.000 đồng/1kg. Dù vậy, các hàng quán đều hết hàng chỉ trong một buổi sáng. Thậm chí, nếu không đặt trước, nhiều gia đình sẽ không mua được.
Không ép ai ăn, cũng không thịt chó nhà mình
Ăn thịt chó vào mùng 4 Tết là tục lệ mà người dân làng Yên Trường thực hiện hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, đó không phải lý do để bắt ép người khác phải "nhập gia tùy tục".
Bà Nguyễn Thị Hồng (65 tuổi, thôn Yên Trường) chia sẻ: "Con dâu tôi khi mới về làm dâu cũng bất ngờ trước tục lệ này. Nhưng tôi bảo ăn được thì ăn, không thì thôi. Trong mâm cỗ vẫn có thịt gà, thịt lợn, không nhất thiết phải ăn thịt chó".
Bà Hồng cho biết thêm, bất kể vị khách nào ghé chơi nhà vào mùng 4 Tết đều có thể từ chối ăn thịt chó. Gia đình bà luôn tôn trọng quan điểm của mỗi người, kể cả người trong làng không thích ăn cũng sẽ không phán xét.
Nếu ngày xưa, các hộ gia đình tại làng Yên Trường thường mua chó trong làng để thịt thì ngày nay, hầu như không, để tránh việc phải thịt chó nhà.
"Dân ở đây không thịt chó nhà đâu, ít nhất với gia đình tôi là như vậy. Tôi rất yêu quý chó nhà mình nuôi, nó đã gắn bó với cả nhà được nhiều năm. Vì vậy đến Tết, nhà tôi sẽ mua thịt chó làm sẵn bên ngoài", bà Hồng nói thêm.