Như chúng ta đều biết, chữ Hán du nhập vào Việt Nam tồn tại suốt cả hàng nghìn năm thời Bắc thuộc. Đến năm 1919, Việt Nam chấm dứt khoa cử, chữ Hán không còn được sử dụng như một thứ văn tự chính thống mà thay vào đó là chữ Quốc ngữ. Mặc dù vậy, chữ Hán vẫn trường tồn đến tận ngày nay bởi lẽ trong tiếng Việt sử dụng hàng ngày có đến 80 % là từ Hán Việt.
Việc cho chữ đầu xuân được định hình cùng với sự phát triển của chữ Hán, nhưng có lẽ mỹ tục này được ra đời sau khi chữ Hán đã trở thành văn tự chính thống và khi Nho giáo ăn sâu vào gốc rễ của người dân Việt Nam. Một điểm quan trọng nữa là xuất phát từ tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho hay: "Tục xin chữ bắt nguồn từ nhu cầu trong đời sống hàng ngày nên không chỉ là ngày Tết mà nhiều ngày trong năm mọi người vẫn đi xin chữ như đi thi, thành lập công ty, xin chữ treo trong nhà, phòng thờ... Từ người lớn đến học sinh đều có nhu cầu xin chữ với mong muốn mang lại kỳ vọng tốt đẹp, bình an, thuận lợi, sức khỏe.
Nếu như ngày xưa chỉ viết chữ trên giấy điệp thì ngày nay còn thêm biểu treo vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa mang giá trị thẩm mỹ. Một chữ treo trong nhà có thể tồn tại nhiều năm sau, đem đến tinh thần cho người xin chữ".
Theo TS Tuấn, tùy thuộc vào nguyện vọng của mỗi người sẽ xin mỗi con chữ khác nhau. Người lớn thường xin chữ Đức, Thuận, An, Nhẫn, Cát Tường... cho bản thân. Các em học sinh, sinh viên xin chữ Đỗ Đạt, Đăng Khoa, Trí Tuệ, Minh, Tài, Thành, Đạt... Các bạn trẻ thường xin chữ Danh, Duyên, Hiếu, Trung, Nghĩa... Con cháu tặng bố mẹ, ông bà chữ Phúc, Lộc, Thọ, An Khang... Người buôn bán, kinh doanh xin chữ Hưng, Thịnh, Phát, Tín, Vượng, Phát Tài, Phát Lộc... Hoặc học sinh tặng thầy cô giáo thường là những chữ như Thuận, Hòa, Bình An... Ngoài ra, còn có những lời cầu chúc phổ biến như: Chúc mừng năm mới, Mã đáo thành công, Phúc lộc song hoàn, An khang thịnh vượng, Tân niên hạnh phúc, Vạn sự như ý...
"Xin chữ đầu năm chắc chắn mang lại giá trị tinh thần. Học sinh sau khi xin chữ sẽ tăng thêm niềm tin năm nay sẽ đỗ đạt. Đồng thời, khi các em đến Văn Miếu xin chữ, chứng kiến các bạn cùng đi xin chữ như mình và được chiêm ngưỡng giá trị lịch sử hàng nghìn năm sẽ có thêm động lực chăm học, cố gắng, nỗ lực hơn".
Theo TS. Lê Văn Cường, Phó Trưởng khoa Văn Học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tết Nguyên đán là một dấu mốc thiêng liêng, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới ("Nguyên Đán" nghĩa là buổi sáng đầu tiên của 1 năm). Chính vì thế, thông thường học trò, sĩ tử thường khai bút, tặng chữ, cho chữ vào những dịp đầu năm để mong cho một năm mới hành thông, trí tuệ, sáng suốt, thuận lợi trên mọi phương diện. Vậy nên sĩ tử, học trò có thể chọn một ngày đẹp hoặc một ngày phù hợp để viết chữ hoặc cho chữ.
Tuy nhiên, không phải vì xin chữ mà học trò có thể học tốt hơn và thi cao đỗ đạt. TS Cường cho rằng, việc xin chữ là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa và vẫn được duy trì liên tục cho đến tật ngày nay. Mỗi độ xuân về hoạt động xin chữ và cho chữ lại được diễn ra vào những ngày đầu năm mới. Tuy vậy nếu nói rằng việc xin chữ và cho chữ khiến cho học sinh, sinh viên có thể học tập tốt và thi đỗ cao trong các kỳ thi thì không đúng. Vì nếu xin chữ về treo nhưng không nỗ lực vươn lên trong học tập thì chắc chắn sẽ không mang lại kết quả, và may mắn cũng không mang lại với những người như vậy.
Xin chữ đầu năm nên xin những chữ phù hợp với nguyện vọng, là động lực để người xin chữ nương theo đó mà nỗ lực vươn lên. Các bạn trẻ có thể xin những chữ chủ về học hành như: CHÍ, TRÍ, MINH, TUỆ, ĐẠT, THÀNH...; chủ đề tu dưỡng như ĐỨC, NHÂN, NGHĨA, LỄ, NHẪN... Ngoài ra, ngày nay việc xin chữ và cho chữ bằng tiếng Việt cũng được đề cao.
Theo TS Cường, việc xin chữ đầu năm giữa ngày xưa và ngày nay về mặt ý nghĩa không có gì khác biệt. Sự khác biệt chỉ có thể ở chỗ phương thức hoạt động hoặc do nhu cầu của xã hội tuỳ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Hoạt động viết chữ ở Văn Miếu đã có sự thay đổi ít nhiều, đôi khi có thiên hướng thương mại hoá, không còn là sự cho tặng chữ thông thường như truyền thống tốt đẹp vốn có.