Trước câu chuyện năm nào cũng gây tranh cãi liên quan đến việc nhiều người có xu hướng xem trọng giá trị vật chất, cụ thể là mệnh giá tiền của phong bao mừng tuổi… mà bỏ qua giá trị tinh thần, nét đẹp gắn liền với văn hóa cầu chúc may mắn trong năm mới… Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.
- Theo "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính thì "Cúng gia tiên xong con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài đồng xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi".
Trong phong tục Tết Nguyên đán của người Việt, sau khi đón giao thừa, hoặc ngay trong sáng mồng một, con cháu thường chúc Tết các bậc sinh thành bằng một món tiền đặt trong bao giấy hồng, gọi là "tiền mừng tuổi", "tiền mở hàng", với mong muốn đem lại may mắn cho ông bà, cha mẹ. Các cụ sau đó cũng sẽ "mở hàng" lại cho con cháu. Bạn bè gặp nhau ngày Tết cũng thường "mở hàng" cho nhau để lấy may mắn. Tiền mừng tuổi thường không nhiều nhưng bao giờ cũng phải là tiền mới, chủ yếu là để lấy may trong dịp đầu xuân năm mới.
Thế kỷ 20, người ta mừng tuổi những đồng tiền có mệnh giá rất nhỏ; thường chỉ năm xu, một hào thôi. Trẻ em thường sẽ nâng niu đồng tiền may mắn đó trong cả năm. Không quan trọng mệnh giá bao nhiêu, nhưng đó là đồng tiền may mắn, thể hiện thịnh tình, tình cảm của người mừng tuổi. Vì vậy, đồng tiền đó được giữ gìn mà không tiêu đi. Theo quan niệm xưa, đồng tiền mừng tuổi đó sẽ làm sinh sôi nảy nở thêm ra những đồng tiền khác. Nếu bỏ ra mua bán gì đó thì sẽ mất đi sự may mắn.
- Người Việt chúng ta vốn không dùng từ "lì xì". Trong vòng khoảng 40 năm gần đây, chữ "lì xì" xuất hiện ngày càng nhiều và thay thế cho từ "mừng tuổi" hay "mở hàng". Bây giờ người ta dùng chữ "lì xì" cũng nhiều hơn. Thế hệ chúng tôi ngày bé khoảng những năm 1965 chỉ biết tới "mở hàng", "mừng tuổi" chứ chưa biết đến "lì xì" và tới bây giờ tôi cũng thích cách gọi cũ hơn.
Khoảng sau năm 1975, khi đất nước được thống nhất, sự phát triển kinh tế kéo theo sự lan tỏa, giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc, cách gọi "lì xì" của người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn dần được phổ biến hơn, cùng nghĩa với "mừng tuổi".
- Gần đây, nét đẹp phong tục này đang bị nhiều người thực hành không đúng. Dường như người ta không quan tâm nhiều tới giá trị tinh thần của đồng tiền đó mà chỉ để ý tới giá trị mua hàng của nó. Trước kia, người mừng tuổi và người được nhận tiền mừng tuổi thường quan tâm tới tính may mắn của đồng tiền, còn bây giờ nảy sinh tâm lý chú ý đến mệnh giá của tiền. Mệnh giá đồng tiền càng lớn người ta lại càng thích. Và nhận mừng tuổi để có một đống tiền như thế thì hóa ra là cho nhau tiền rồi, chứ không phải là mừng tuổi nữa. Đó là điều hết sức đáng tiếc.
Khi mừng tuổi cho một đứa trẻ hoặc một ai đó mình yêu quý phải nhớ làm cho họ hiểu rằng, giá trị tinh thần mới là quan trọng, mới là cao quý. Ta đang tặng cho nhau sự may mắn chứ không tặng cho nhau đồng tiền. Việc nghiêng nhiều giá trị vật chất của đồng tiền đã làm biến dạng phong tục mừng tuổi hay mở hàng đầu năm.
- Các giá trị văn hóa thường mang tính thời đại, con người mỗi thời đại lại có một kiểu tư duy. Theo tôi, sự biến tướng này phần lớn thuộc về nhận thức của mỗi người. Khi người ta sống trong kinh tế thị trường, có vẻ sẽ nghiêng nhiều hơn về giá trị vật chất. Những người có lối sống hưởng thụ, thực dụng thường sẽ quan tâm nhiều tới giá trị vật chất. Mỗi người sẽ có những khả năng khác nhau để kiểm soát nhu cầu của mình. Có những người lòng tham vô độ, thì không biết bao nhiêu mới đủ.
Những người hiểu biết sẽ hài hòa giữa cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Mừng tuổi đầu năm để cầu chúc cho nhau sự may mắn rõ ràng thuộc về giá trị tinh thần. Nhưng lại biến nó thành giá trị vật chất thì rõ ràng là sự biến tướng của thuần phong mỹ tục rồi.
Vậy theo ông, tục mừng tuổi có còn phù hợp với thời đại mới?
- Thực ra, đây vẫn là phong tục đáng trân trọng! Ngày nay, khi đời sống đã được cải thiện rất nhiều, nhu cầu vật chất được đáp ứng quanh năm cho nên Tết Nguyên đán sẽ chủ yếu là những giá trị văn hóa tinh thần. Giống như việc người ta mua một cành đào, một cành mai để ngắm những tín hiệu của sự sống đang nảy sinh. Nhưng do nhận thức của một số người hay những đứa trẻ không được dạy dỗ đàng hoàng nên họ cứ theo cảm tính mà làm.
Tôi nghĩ rằng nét văn hóa này vẫn nên duy trì nhưng phải giải thích để người thực hành hiểu được ý nghĩa để làm biến tướng nó đi. Đừng biến việc này thành ra chuyện cho nhau rất nhiều tiền, tức là sẽ vật chất hóa tầm thường cái đồng tiền may mắn đó.
Những năm gần đây xuất hiện rất nhiều hình thức mừng tuổi đầu năm mới như mừng tuổi qua tài khoản ngân hàng hay mừng tuổi bằng vé số... điều này có phù hợp với văn hóa Việt Nam không, thưa ông?
- Trong thời ngày nay, tôi nghĩ rằng, điều đó có thể chấp nhận được. Người ta không gặp được nhau thì sẽ có những hình thức phù hợp. Đã mừng tuổi cho nhau thì đó là sự quan tâm, tình cảm thì đều quý cả.
Hoặc bằng tờ vé số cũng chẳng sao cả, điều này cũng mang ý nghĩa là gửi tặng một sự may mắn. Miễn sao là đừng làm biến tướng nó đi thành việc cho nhau rất nhiều tiền. Đừng nhìn quà tặng quà ý nghĩa vật chất mà hãy nhìn nó qua ý nghĩa tinh thần.
Cảm ơn PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng đã chia sẻ thông tin.