Ngày 15/2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ ngày 8/2 đến 14/2), ngành y tế TP.HCM đã khám chữa bệnh hơn 99.000 lượt (tăng 18% so với cùng kỳ), trong đó có 48.935 lượt khám bảo hiểm y tế (tăng 41%). Các bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận 13.065 trường hợp nhập viện (tăng 37%); thực hiện hơn 2.800 ca phẫu thuật (tăng 26%), trong đó có 327 ca phẫu thuật do tai nạn (giảm 57 ca).
Số lượt đến cấp cứu tai nạn giao thông giảm 28%, nhưng có 5 ca tử vong (tăng 3 ca so với cùng kỳ). Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 12.000 bệnh nhân (tăng 28%).
Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong 7 ngày nghỉ Tết, trung bình mỗi ngày có 267 trường hợp vào cấp cứu, trong đó cấp cứu do tai nạn giao thông khoảng 52 ca/ngày. Trong các ca tai nạn sinh hoạt có nhiều ca tai nạn do pháo nổ.
Tối 29 Tết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã nhận một ca cấp cứu do pháo nổ. Theo đó, một bé gái 5 tuổi nhà ở Gò Vấp đến cấp cứu trong tình trạng chảy nhiều máu ở vùng mặt. Theo lời kể của mẹ bé, ở xóm chơi pháo Tết, bé đứng gần đó xem thì bị pháo văng trúng. Do môi trên và môi dưới bị rách nát và dập mô nhiều nên việc xử trí, cắt lọc vết thương, khâu đóng vết thương và tạo hình môi cho bé kéo dài hơn 60 phút.
TP.HCM cũng chào đón 1.916 công dân "nhí" chào đời trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; trong đó, có 8 trẻ sinh đúng thời khắc giao thừa (5 trẻ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ và 3 trẻ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương).
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian nghỉ tết, các cơ sở y tế tuân thủ và triển khai nghiêm công tác trực khám chữa bệnh; ứng trực 24/24 giờ; bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, oxy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp tết. Đảm bảo tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời.
Sở Y tế TP.HCM cũng thường xuyên theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực; xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình diễn biến dịch Covid-19 trong những ngày Tết Nguyên đán, trong đó tập trung tăng cường giám sát khách nhập cảnh từ các nước đang có biến thể mới, nếu phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cần tư vấn để xét nghiệm và có biện pháp giám sát phù hợp; giám sát các ca viêm hô hấp nặng trên địa bàn thành phố, kịp thời xử lý, không để bị động bất ngờ.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết, TP.HCM không ghi nhận sự cố về ngộ độc thực phẩm hay mất an toàn thực phẩm. Sở đã triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024.