Mới đây, nhân tố Việt kiều Andrej Nguyễn An Khánh đã được triệu tập vào thành phần của U19 CH Czech sau khi thi đấu ấn tượng trong màu áo CLB Sigma Olomouc. Cầu thủ sinh năm 2005 từng có thời điểm được HLV Philippe Troussier trực tiếp gọi điện thoại thuyết phục trở về dải đất hình chữ S để hội quân cùng U23 Việt Nam nhưng lại bị gạch tên trước vòng loại U23 châu Á 2024. Tiền vệ 19 tuổi cũng không được điền tên vào danh sách rút gọn ĐT Việt Nam tham dự trận giao hữu với Palestine vào tháng 9/2023 và phải ngậm ngùi trở lại châu Âu trong sự thất vọng.
Việc HLV Philippe Troussier gọi Andrej Nguyễn An Khánh nhưng sau đó thẳng tay loại cầu thủ này khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Điều đáng nói là nhân tố sinh năm 2005 lại chứng minh được năng lực khi thi đấu tại châu Âu và việc tập trung cùng U19 CH Czech là minh chứng cụ thể. Với tình hình hiện tại, khả năng sao mai sinh năm 2005 trở lại dải đất hình chữ S để cống hiến đang bị lung lay dữ dội. Nó cũng là đòn giáng mạnh có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhân tố Việt kiều khác mong muốn về Việt Nam cống hiến.
Nói thế bởi lẽ, bóng đá Việt Nam vẫn đang sở hữu một nguồn lực các cầu thủ Việt kiều dồi dào trên khắp thế giới. Có thể kể đến một vài cái tên như Võ Tiến Dũng (tên tại Hungary là Dani Vo) sinh năm 2006 cao 1,90m, đang chơi ở vị trí trung vệ cho đội U19 Rakospalotai EAC (chơi ở nhóm 2 giải U19 Hungary), hay Duy Dương (khoác áo đội trẻ Puskas Akademia FC - Hungary), Vadim Nguyen (sinh năm 2005, CLB FK Rostov - Nga), Alex Bùi (sinh năm 2005, cao 1,74m) đang chơi cho đội U19 Bohemians Praha 1905 FC (CH Czech), Julien Nguyen (sinh năm 2006, cao 1,82m) chơi cho đội U18 Rayo Vallecano Academy (Tây Ban Nha), Tony Pham (2005, cao 1,84m) đang chơi cho đội U19 HJK Helsinki (Phần Lan) hay Kevin Cao (sinh năm 2006, khoác áo U19 Union Berlin).
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng nhiều lần chia sẻ về việc họ sẵn sàng chào đón các nhân tố Việt kiều có khát khao cống hiến cho các ĐT Việt Nam. Thế nhưng, mọi việc cũng chỉ là những lời nói suông khi các chính sách cụ thể để liên hệ, thu hút các nhân tài, hỗ trợ nhập tịch... vẫn chưa rõ ràng. Các nhân tố có dòng máu Lạc Hồng gần như vẫn chơi vơi trong việc tìm kiếm một cơ chế để nhanh chóng được khoác áo Những chiến binh Sao Vàng. Để rồi, theo thời gian, họ dần nản lòng, thậm chí bỏ cuộc.
Bên cạnh các nhân tố Việt kiều, những ngôi sao nhập tịch chất lượng cao tại V-League cũng không ít lần đánh tiến muốn gia nhập vào đoàn quân của HLV Philippe Troussier. Đó là Hendrio Araujo, Marlon Rangel và Rafaelson. Thế nhưng, khát khao của họ cũng khó có thể thực hiện khi ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ chế thoáng hơn trong vấn đề này, còn về VFF thì quá chậm chạp.
Hãy nhìn vào cách làm của Indonesia trong thời gian qua. Họ sẵn sàng tìm kiếm, gặp gỡ trực tiếp, thuyết phục và tạo mọi điều kiện cho các cầu thủ Indo kiều được nhập tịch. Điều này giúp ĐTQG xứ vạn đảo mạnh lên đáng kể. Tim Garuda hoàn toàn có thể sử dụng tới 15 cầu thủ đang chơi tại nước ngoài để đối đầu ĐT Việt Nam trong tháng 3 tới. Cách làm của Indonesia là điều mà VFF chưa thể thực hiện được, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.
Nói thế để thấy, nếu quá chậm chạp trong việc tận dụng nguồn lực Việt kiều và nhập tịch trong bối cảnh những trụ cột đang dần qua đỉnh cao phong độ còn các nhân tố trẻ thì chưa thật sự trưởng thành, bóng đá Việt Nam sẽ có nguy cơ lớn bị tụt lại so với Thái Lan, Indonesia, thậm chí là Malaysia trong tương lai. Đã đến lúc, chúng ta cần có cơ chế thoáng hơn về vấn đề này khi nó đã trở thành xu thế chung của khu vực và thế giới.